09:40 27/04/2009

Doanh nghiệp nông thôn khó tiếp cận vốn kích cầu

Phong Lan

Thời gian gần đây, Chính phủ liên tiếp đưa ra các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp thuộc diện được vay cũng phải “vác hồ sơ” đi đi, về về nhưng cũng chỉ có thể vay được vốn đủ... trả lương cho công nhân - Ảnh: Quang Liên.
Nhiều doanh nghiệp thuộc diện được vay cũng phải “vác hồ sơ” đi đi, về về nhưng cũng chỉ có thể vay được vốn đủ... trả lương cho công nhân - Ảnh: Quang Liên.
Thời gian gần đây, Chính phủ liên tiếp đưa ra các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng.

Hiện nay, rất nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thực sự có nhu cầu vay vốn nhưng do đặc thù quy mô nhỏ nên hầu như khó tiếp cận nguồn vốn.

Khó tiếp cận vốn

Tại hội thảo “Hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh theo quyết định của Chính phủ” diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội đã có rất nhiều ý kiến tập trung thảo luận về vấn đề này.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: phần lớn các doanh nghiệp hiện nay không đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất, do không đủ điều kiện tín chấp: hoặc là không có hợp đồng, hoặc là không còn khả năng tín chấp (đã tín chấp ở khoản vay khác).

Trong khi đó các thủ tục vay lại khá phức tạp. Nhiều doanh nghiệp thuộc diện được vay cũng phải “vác hồ sơ” đi đi, về về nhưng cũng chỉ có thể vay được vốn đủ... trả lương cho công nhân.

Các doanh nghiệp cho rằng ngân hàng cần chia sẻ khó khăn bằng nhiều biện pháp cụ thể như hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh có hiệu quả; giảm thiểu thủ tục vay vốn và yêu cầu bảo lãnh, hướng dẫn doanh nghiệp làm các văn bản giấy tờ sao cho đơn giản mà vẫn đảm bảo chặt chẽ.

Ông Nguyễn Kỷ, chủ cơ sở sản xuất - xuất khẩu đồ mỹ nghệ tre hun khói ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho hay: cơ sở sản xuất kinh doanh của gia đình ông và hầu như tất cả các cơ sở sản xuất của làng nghề tại đây đều không có giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh.

Ngoài chiếc sổ đỏ (chứng nhận quyền sử dụng đất) làm tài sản thế chấp, tín chấp ra, ông không có gì khác. Tuy nhiên, với sổ đỏ này nếu đem đi vay thì ngân hàng cũng chỉ cho vay khoảng 50 triệu đồng.

“Thực tế chúng tôi mới là người thực sự cần hỗ trợ. Trong lúc khó khăn này, cơ sở chúng tôi vẫn đang duy trì sản xuất kinh doanh giúp cho ba bốn chục lao động có việc làm ổn định. Điều kiện sản xuất là có thật. Thiếu vốn là khẩn cấp thì việc vay lại phải chờ cơ chế”, ông Kỷ bức xúc.

Cũng như ông Kỷ, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề cho rằng phía ngân hàng cũng nên phân tích sâu hơn thực trạng doanh nghiệp, nhận rõ chỗ mạnh, chỗ yếu về tất cả các mặt như vốn liếng, nhân lực, thương hiệu, thị trường...

Từ đó, tính toán lại phương án cho vay phù hợp với tình hình mới. Chỉ trên cơ sở ấy, việc vay vốn có hỗ trợ lãi suất mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho các nhà sản xuất kinh doanh.

Cho vay nhưng không hạ thấp điều kiện cấp tín dụng

Hội nghị cũng đề cập đến một số doanh nghiệp đang trong tình trạng chưa trả hết nợ cũ đã vay (trong năm 2008, khi lãi suất cao đến 18 - 20%) hiện đang có nhu cầu vay mới để trả nợ cũ (đảo nợ), nhưng ngân hàng chưa cho phép.

Các doanh nghiệp cho rằng việc khoanh hoặc giãn nợ cũ vừa giúp cho doanh nghiệp có thể vay vốn mới để thực hiện hợp đồng mới hoặc thực hiện những dự án đầu tư khả thi, vừa giúp cho ngân hàng làm sạch sổ sách, không còn nợ xấu.

Riêng về bảo lãnh tín dụng, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam với các ngân hàng thương mại; đồng thời xin đề nghị thực hiện Quyết định 60 ngày 18/4/2009, trong đó đã xóa bỏ quy định cũ về điều kiện không nợ đọng thuế, còn doanh nghiệp có nợ quá hạn nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cam kết trả được nợ quá hạn thì vẫn nên được bảo lãnh vay vốn.

Tại hội thảo, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho rằng: tiếp theo gói kích cầu thứ nhất chỉ cho vay vốn lưu động và thời hạn chỉ có 8 tháng, gói kích cầu thứ hai đã bổ sung đầy đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông thôn làng nghề, hợp tác xã.

Lại có thêm Quyết định 497 hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước mắt về vốn lưu động mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tranh thủ thời cơ mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh khi kinh tế hồi phục.

Ông Đặng Tiến Dũng, Phó giám đốc Agribank Hà Nội khẳng định: “Ngân hàng thương mại cho vay các nhu cầu vay lưu động để họat động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng sẽ không từ chối hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Chúng tôi sẽ giám sát tình hình hỗ trợ lãi suất không để các khách hàng chịu thiệt thòi”.

Tại hội thảo, ông Dũng cũng nhấn mạnh: việc hỗ trợ lãi suất để đầu tư mới phát triển sản xuất - kinh doanh là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm hạn chế suy giảm kinh tế, kích thích phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí đầu tư, tăng tài sản cố định và năng lực cạnh tranh, tạo việc làm.

Tuy nhiên, không hạ thấp điều kiện cấp tín dụng cho bất kỳ gói lãi suất nào vẫn là yêu cầu tiên quyết của ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

Điều quan trọng là phải xác định đúng đối tượng khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất, thẩm định kỹ dự án để tránh trường hợp lợi dụng vốn vay để triển khai dự án kém hiệu quả và tuyệt đối không được hạ thấp điều kiện cấp tín dụng đồng thời có quyền từ chối khoản vay không đúng đối tượng và sai mục đích.

Riêng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề, “nếu ngân hàng nắm vững tình tình sản xuất kinh doanh, thực sự các cơ sở đang phát triển tốt trong một cộng đồng làng nghề như thế thì đôi khi không cần tài sản thế chấp ngân hàng cũng vẫn cho vay được”, ông Dũng nói.