15:26 24/05/2011

Dọn đường cho tăng dự trữ bắt buộc?

Minh Đức

Khả năng tăng dự trữ bắt buộc lại “nóng” trong tính toán của một số tổ chức, cá nhân nhà đầu tư, trước những động thái mới

 Hiện các mối quan tâm trên thị trường vẫn hướng về Ngân hàng Nhà nước, về câu chuyện trần lãi suất, định hướng các lãi suất điều hành và cả việc có điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay không, nhất là khi CPI tháng 5 đã được công bố - Ảnh: VnExpress.
Hiện các mối quan tâm trên thị trường vẫn hướng về Ngân hàng Nhà nước, về câu chuyện trần lãi suất, định hướng các lãi suất điều hành và cả việc có điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay không, nhất là khi CPI tháng 5 đã được công bố - Ảnh: VnExpress.
Khả năng tăng dự trữ bắt buộc lại “nóng” trong tính toán của một số tổ chức, cá nhân nhà đầu tư, trước những động thái mới.

Cuối giờ sáng nay (24/5), Tổng cục Thống kê chính thức công bố mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 là 2,21%. Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI đã tăng tới 12,07%, vượt cả dự kiến “chỉ tiêu mới” cả năm ở khoảng 11,75%, đưa ra tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Kiềm chế lạm phát tiếp tục là một yêu cầu “nóng”. Bên cạnh chính sách tài khóa, sự chờ đợi của giới đầu tư lúc này là liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhất là sau thông điệp thắt chặt hơn từ việc tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, từ 14% lên 15%/năm vừa qua.

Những ngày gần đây, một số quan điểm lại đề cập đến khả năng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, như một liệu pháp mạnh để kiềm chế lạm phát. Mặt khác, khả năng đó được đề cập đến khi thị trường tiền tệ có những tín hiệu mới.

Rất tiếc, đến thời điểm này những dữ liệu giao dịch trên thị trường mở và thị trường liên ngân hàng chưa được cập nhật nhanh và công khai rộng rãi từ chính nguồn. Việc tìm hiểu diễn biến của hai thị trường này chủ yếu vẫn dựa vào những báo cáo của một số tổ chức đầu tư. Ở đây có sự bất đối xứng thông tin, phía sau đó là cơ sở để phán đoán về hướng vận động của chính sách không mở rộng cho đại chúng.

Còn theo cập nhật mới nhất của một số công ty chứng khoán, thời điểm này thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng rất dồi dào, lãi suất liên tục giảm mạnh những ngày gần đây. Trong khi đó, lại có thông tin Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ thông qua kênh tái cấp vốn.

Cụ thể, bản tin ngày 23/5 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cho biết: “Lãi suất qua đêm vẫn giữ ở mức thấp là 13%; cho thấy thanh khoản tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng hiện tại vẫn rất dồi dào”.

Bản tin cùng ngày của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết chi tiết hơn: “Lãi suất cho vay qua đêm giao dịch giảm xuống 12%/năm từ mức 13%/năm trong hôm qua và giảm 9% so với mức bình quân 21%/năm trong tháng 4. Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần cũng giảm đáng kể từ mức 16%/năm xuống 14%/năm trong hôm nay. So với mức trung bình của tháng 4, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần đã giảm 6,5% từ mức 21,5%/năm”.

VCSC cũng lý giải rằng, lãi suất liên ngân hàng gần đây giảm mạnh là do Ngân hàng Nhà nước đã bơm một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thông qua mua bán ngoại tệ và kênh tái cấp vốn.

Từ ngày 29/4 đến đầu tháng 5, trước nguồn cung thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 1 tỷ USD để tăng cường dự trữ ngoại hối. Điều đó đồng nghĩa với việc cung khoảng 20.600 tỷ đồng ra thị trường. Tuy nhiên, hoạt động mua vào đó là hạn chế trong những ngày gần đây. Bởi mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước “cố định” ở 20.600 VND, thấp hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại; nếu các ngân hàng bán lại cho Sở đồng nghĩa với việc chấp nhận lỗ.

Đáng chú ý là trong bản tin của VCSC có đề cập rằng: “Chúng tôi nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ thông qua kênh tái cấp vốn”. Chưa rõ hoạt động và mức độ tái cấp vốn đó như thế nào, nhưng nó được xem là một động thái quan trọng.

Đặt trong khả năng tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, hoạt động tái cấp vốn đó được xem như một bước dọn đường. Bởi thời gian qua, e ngại lớn nhất mà nhà điều hành chưa sử dụng đến liệu pháp mạnh này để chống lạm phát là do sự không đồng đều giữa các ngân hàng trong hệ thống. Nay, nếu đã có bước dọn đường đó, khả năng tăng dự trữ bắt buộc đặt ra có thêm cơ sở. Bên cạnh đó còn là việc điều hòa lượng tiền bỏ ra để mua vào ngoại tệ nói trên.

“Tuy nhiên, nếu không tăng dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước có thể lựa chọn phát hành tín phiếu hay rút tiền từ lưu thông qua kênh thị trường mở và kênh tái cấp vốn”, VCSC dự phòng thêm ở những khả năng này.

Hiện các mối quan tâm trên thị trường vẫn hướng về Ngân hàng Nhà nước, về câu chuyện trần lãi suất, định hướng các lãi suất điều hành và cả việc có điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay không, nhất là khi CPI tháng 5 đã được công bố.