09:45 15/10/2008

Đóng dấu, bấm lỗ tiền giả

Hoàng Đạt

Nếu khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là tiền giả, ngân hàng phải lập biên bản, đóng dấu và bấm lỗ đồng tiền này

Tang vật một vụ vận chuyển tiền giả từ Lạng Sơn về Hà Nội - Ảnh: VnExpress.
Tang vật một vụ vận chuyển tiền giả từ Lạng Sơn về Hà Nội - Ảnh: VnExpress.
Nếu khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả, ngân hàng phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ đồng tiền này.

Đó là yêu cầu được đặt ra tại Quy định về việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.

Theo quy định trên, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, ngân hàng căn cứ vào thông báo của Ngân hàng Nhà nước (hoặc của Bộ Công an) về đặc điểm nhận biết của tiền giả, đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại để kết luận.

Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã có thông báo của Ngân hàng Nhà nước (hoặc của Bộ Công an), ngân hàng phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả; nếu có nghi vấn về việc lưu hành tiền giả hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng đối với tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch, hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả của ngân hàng thì ngân hàng phải thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Đối với loại tiền giả chưa có thông báo (tiền giả loại mới), ngân hàng lập biên bản, thu giữ (không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả); thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất; thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn.

Khi nhận được thông tin về tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thông báo ngay cho cơ quan công an cùng cấp và Cục Phát hành và Kho quỹ.

Cũng theo quy định trên, nhân viên ngân hàng thu giữ tiền giả phải là người được đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả.

Trong các trường hợp phát hiện tiền giả, tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm hành vi ngân hàng trả lại tiền đó cho khách hàng.

Đối với tiền nghi giả, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng lập biên bản và tạm thu giữ. Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng gửi tiền nghi giả và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan Công an trên địa bàn giám định. Kết quả giám định phải được thông báo bằng văn bản cho khách hàng có tiền nghi giả biết.

Quy định trên của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định chi tiết con dấu tiền giả theo hình chữ nhật, kích thước: 20mm x 60mm; phần tên ngân hàng: 5mm x 60mm, chữ “TIỀN GIẢ”: 15mm x 60mm; sử dụng mực màu đỏ.

Khi phát hiện tiền giả, ngân hàng đóng dấu lên 2 mặt và bấm 4 lỗ trên tờ tiền giả (mỗi cạnh chiều dài tờ tiền giả bấm 2 lỗ cân đối bằng dụng cụ bấm lỗ dùng cho văn phòng).

Theo quy định trên, mọi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải có đề nghị bằng văn bản và chuyển tiền giả, tiền nghi giả cần giám định tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Phát hành và Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ.

Kết quả giám định của các đầu mối trên được thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị giám định. Việc giám định được thực hiện miễn phí.

Tiền giả, tiền nghi giả giám định theo yêu cầu của cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, sau khi giám định được trả lại đơn vị yêu cầu giám định.

Cán bộ làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải có chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua đào tạo tập huấn về nghiệp vụ giám định tiền do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Đối với các loại tiền giá phát hiện được, do tổ chức, cá nhân giao nộp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thu nhận, tiêu hủy. Việc tiêu huỷ tiền giả, tiền thật bị đóng dấu “TIỀN GIẢ” của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định như đối với tiêu huỷ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Việc tiêu huỷ tiền giả là tang vật của các vụ án hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.

Ngoài ra, quy định trên nêu rõ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng phải báo cáo số liệu tiền giả thu giữ theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trên địa bàn.