02:29 18/05/2010

Dự luật Ngân hàng đã được chỉnh lý theo hướng nào?

Nguyên Bình

Dự thảo luật quy định, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là ngân hàng trung ương của Việt Nam

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội - Ảnh: AsiaExplorers.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội - Ảnh: AsiaExplorers.
So với dự thảo trình tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) đã có nhiều nội dung được chỉnh lý, Văn phòng Quốc hội cho biết tại cuộc họp báo về kỳ họp Quốc hội thứ bảy, chiều 17/5.

Theo đó, về địa vị pháp lý, dự thảo luật quy định, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là ngân hàng trung ương của Việt Nam.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung khái niệm “chính sách tiền tệ quốc gia”, để phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định và thực hiện chính sách này.

Cụ thể, chính sách tiền tệ quốc gia bao gồm: mục tiêu chính sách tiền tệ; công cụ và biện pháp điều hành để điều chỉnh khối lượng tiền trong nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát.

Về thầm quyền, dự luật quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Xung quanh lãi suất cơ bản, vấn đề từng gây nhiều tranh cãi trong suốt quá trình hoàn thiện dự án luật, theo khoản 5 điều 7 của dự luật, khái niệm này được hiểu là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự.

“Cần phải hiểu khái niệm lãi suất cơ bản không có nghĩa là một loại lãi suất hoặc một mức lãi suất mà là một cụm từ lãi suất để thực hiện công tác điều hành nhằm đạt mục tiêu và chính sách tiền tệ”, lời giới thiệu về dự luật nêu rõ.

Do vậy, theo điều 13 đã được chỉnh sửa tại dự luật, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất để đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu về chính sách tiền tệ quốc gia.

Dự luật cũng được sửa đổi theo hướng sử dụng dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo mục tiêu hoặc nhiệm vụ ngân sách Nhà nước phải đảm nhiệm; nếu sử dụng dự trữ ngoại hối mà làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định thì phải báo cáo với Quốc hội hoặc báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một nội dung nữa được sửa đổi là trách nhiệm giải trình. Dự thảo luật được sửa đổi theo hướng Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm báo cáo trước Chính phủ, để Chính phủ báo cáo Quốc hội theo thẩm quyền.

Để Quốc hội có căn cứ và kịp thời điều hành hiệu quả đối với chính sách tiền tệ quốc gia thì Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm báo cáo giải trình hoặc cung cấp thông tin cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có liên quan khi có yêu cầu.

Với sửa đổi lần này, Ngân hàng Nhà nước được trao thêm nhiều quyền nên cũng có trách nhiệm khá lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tiến dần tới mô hình ngân hàng trung ương hiện đại. Vì vậy, dự luật cho phép Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức nhằm đạt mục tiêu thu hút được đội ngũ cán bộ giỏi, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nâng cao uy tín, năng lực của ngân hàng trung ương.

Theo chương trình dự kiến, ngay ngày làm việc thứ hai (21/5) của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này và sẽ biểu quyết thông qua toàn bộ dự luật vào chiều 16/6.