07:50 07/02/2013

Ghế “nóng” thì phải biết làm “nguội”!

Nguyễn Hoài

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Đã có lúc, tôi nghĩ mình là người lính ra trận nhưng thấy buồn vì thiếu vắng đồng đội”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Có những người bị đụng chạm trong quá trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấu trúc còn dám bắn tin đến tôi rằng: “Tôi sẽ xử lý ông trước khi ông xử lý tôi”. <br>
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Có những người bị đụng chạm trong quá trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấu trúc còn dám bắn tin đến tôi rằng: “Tôi sẽ xử lý ông trước khi ông xử lý tôi”. <br>
Ngày 3/8/2011, ông Nguyễn Văn Bình được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Gần một năm rưỡi trên cương vị Thống đốc, ông đã đụng vào nhiều vấn đề gai góc của hệ thống mà những người tiền nhiệm chưa giải quyết được.

Và phía sau diện mạo mới của hệ thống ngân hàng đang dần lộ diện thì “chiếc ghế” Thống đốc từng nóng ran dần được làm “nguội”. Đón Tết Quý Tỵ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhận lời chia sẻ về một chút tâm tư và công việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2013.

Thống đốc tâm sự: “Tôi đã gắn bó với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong toàn bộ quá trình công tác của mình kể từ khi tốt nghiệp đại học. Đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, tại nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau. Ngay từ những năm 1996 đến năm 2005, tôi đã là Chánh văn phòng Thống đốc, quyền Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Quốc tế tại Nga (MIB) và sau này là Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Và cũng từng “lên bờ xuống ruộng” nhiều rồi.

Vì vậy, tôi luôn gắn bó với công việc chuyên môn, hiểu rõ cơ cấu tổ chức, những tồn tại, bất cập mang tính hệ thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cách thức vận hành để đạt hiệu quả cao nhất của một ngân hàng trung ương. Từ thời gian ở cương vị Chánh văn phòng tôi đã tham mưu, đề xuất một số cải cách điều hành chính sách tiền tệ và có những thời điểm được sự ủy quyền của Thống đốc đưa ra các chỉ đạo điều hành”.

Ông có thấy rằng trong giai đoạn trước, sự phức tạp của hệ thống tổ chức tín dụng không lớn như bây giờ?

Không hoàn toàn như vậy, những năm cuối thập kỷ 90, thị trường tiền tệ cũng đã có nhiều vấn đề bất ổn, hàng loạt tổ chức tín dụng đổ vỡ. Trong vòng 3 năm, từ tháng 10/1997 đến tháng 12/1999, Ngân hàng Nhà nước đã phải ba lần thay Thống đốc. Về sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó đang là Phó thủ tướng Thường trực) được phân công kiêm nhiệm cả chức vụ Thống đốc.

Đơn cử như hoạt động điều hành tỷ giá giai đoạn tôi làm Chánh văn phòng, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã tranh luận với nhau rất nhiều về việc nên điều hành tỷ giá như thế nào và các biện pháp cụ thể ra sao.

Nhiều phương án tham mưu của các đơn vị nghiệp vụ được đưa ra nhưng tôi thấy cũng chưa ổn nên tôi tự “chắp bút” một phương án khác trình Thống đốc và báo cáo rằng: “Đây là các phương án mà các anh, các chị trưởng các đơn vị đề xuất đã có ý kiến của lãnh đạo, còn đây là phương án em tự đề xuất”.

Tôi báo cáo và trình bày cặn kẽ mặt tích cực, tiêu cực cũng như tính khả thi của từng phương án với Thống đốc và cuối cùng, phương án của tôi được duyệt.

Khi đó, một số đồng chí trong ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã rất ngạc nhiên và tỏ ý không hài lòng vì Thống đốc chọn phương án của tôi. Chỉ đến khi điều hành tỷ giá thắng lợi thì sự không hài lòng đó mới nguôi dần.

Một thực tế khác, Thống đốc ngày đó do phải kiêm nhiệm nên mỗi tháng chỉ có mặt ở hội sở chính Ngân hàng Nhà nước một vài lần, với cương vị Chánh văn phòng Thống đốc, tôi được giao thường xuyên báo cáo công việc điều hành ngân hàng trung ương lên thống đốc, sau đó truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Thống đốc với ban lãnh đạo. Hoàn cảnh đó cũng giúp tôi hiểu được cách điều hành công việc của cơ quan ngân hàng trung ương.
 
Hơn một năm rưỡi giữ vị trí đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, “chiếc ghế” vốn đã nóng bỏng qua hai kỳ Thống đốc, ông nghĩ gì khi mình không là ngoại lệ?

Là người làm chính sách, điều quan trọng nhất với họ chính là đạt được mục tiêu mà mình muốn hướng tới. Nhưng để có được kết quả đó, chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực. Thông thường, khi ban hành mới một chính sách, bao giờ cũng gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều, người bảo đúng, người bảo sai, rồi nên thế này, thế kia...

Ghế “nóng” thì phải biết làm “nguội”! 1Như lời một bài hát đã viết mà tôi rất tâm đắc: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai”. Dù là “ghế nóng” nhưng nhất định là phải có ai đó ngồi vào để gánh vác trọng trách đó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Một năm qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra khá nhiều chính sách, bên cạnh những người ủng hộ, còn nhiều người nghi ngờ, phản bác. Trong tình huống đó, người lái tàu phải vững tay.

Trước đây, hoạt động ngân hàng cũng phức tạp nhưng vì quy mô nhỏ, nền kinh tế chưa mở cửa rộng, lực lượng doanh nghiệp chủ yếu là quốc doanh nên việc xử lý đơn giản hơn nhiều.

Nhưng kể từ khi nước nhà hội nhập sâu hơn, luật pháp ngày càng hoàn thiện, cơ chế kinh tế thị trường chi phối hầu hết các hoạt động doanh nghiệp, quy mô hệ thống ngân hàng quá lớn. Vì thế, quản lý hoạt động ngành Ngân hàng không còn đơn giản và thiên về mệnh lệnh hành chính như trước.

Bao giờ cũng vậy, khi nền kinh tế khủng hoảng thì Ngân hàng Nhà nước là điểm nóng và chịu nhiều áp lực nhất, thu hút mọi chú ý của dư luận vào đó. Riêng ở Việt Nam thì điều này còn trầm trọng hơn. Lý do ở đây là ngân hàng trung ương đóng hai vai: vừa là ngân hàng trung ương vừa là thành viên Chính phủ; vừa phải điều tiết tổng phương tiện thanh toán để kiềm chế lạm phát nhưng lại vừa phải chỉ đạo cung ứng tín dụng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Và như thế, “chiếc ghế” Thống đốc luôn luôn là “nóng”. Nhưng đã ngồi vào đó thì phải làm cho nó bớt “nóng”, vì xét cho cùng, “nóng” hay “nguội” đều phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi nền kinh tế “nóng” thì đương nhiên, “chiếc ghế” Thống đốc sẽ “nóng”.

Như lời một bài hát đã viết mà tôi rất tâm đắc: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai”. Dù là “ghế nóng” nhưng nhất định là phải có ai đó ngồi vào để gánh vác trọng trách đó.

Làm ngân hàng là một nghề, đòi hỏi có kiến thức kinh tế, vừa bao quát, vừa chuyên sâu, từng trải, bản lĩnh và cả sự nhạy cảm nữa. Mặc dù quyền điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương là rất lớn, nhưng nếu quyền đó không dùng đúng lúc, đúng chỗ, thiếu sự hài hòa với các biện pháp khác của Nhà nước thì sẽ để lại hệ lụy vô cùng tai hại cho mai sau.
 
Trong năm 2012, lợi ích nhóm ngân hàng khuấy đảo dư luận, khiến cho trong dân chúng và cả nơi nghị trường không ít hồ nghi về những giải pháp mà ngân hàng trung ương triển khai, ông nói gì về vấn đề này?


Chừng nào mà Việt Nam vẫn chưa trở thành nước phát triển và chưa xử lý triệt để sự cách biệt giàu nghèo thì lúc đó, cuộc chiến lợi ích nhóm vẫn tiếp tục. Đó là cuộc đấu tranh rất quyết liệt.

Bởi vì, khi còn nghèo, cùng chia nhau một cái bánh mì, cái kem thì mọi thứ đều tốt, đều đồng thuận. Nhưng khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình, có của ăn, của để, xã hội bắt đầu phân hóa thành nhiều bộ phận khác nhau giữa một bên là có tiền và phần còn lại là thu nhập thấp thì rất khó đồng thuận, rất khó cải cách, lợi ích nhóm sẽ chi phối.

Trong hoàn cảnh đó, nếu chính sách đưa ra gây phương hại cho nhóm nào thì họ sẽ đứng lên chiến đấu lại một cách mãnh liệt. Chính sách của Nhà nước vượt qua được lợi ích nhóm thì mới mong thắng lợi. Năm 2012 là năm như thế. Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách nào, nếu đụng chạm đến lợi ích nhóm là lập tức gặp phải lực cản ngay mà câu chuyện siết lại thị trường vàng là một ví dụ.

Chúng tôi biết trước là sẽ bị phản đối quyết liệt nhưng không làm không được. Bởi con đường đã đi thì phải đi, đích đến vẫn phải đến. Sự chống đối của nhóm lợi ích có mặt khắp nơi, từ vận động hành lang chính sách đến các công cụ truyền thông, thậm chí, còn mượn cả “dân” để làm bình phong.

Nếu không tin tôi thì cứ đi hỏi xem dân nào có đủ tiền đến mức lũng đoạn cả thị trường vàng? Chỉ những người buôn bán vàng đầu cơ mới quen làm mưa, làm gió thị trường, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, bị đụng chạm lợi ích trong lần này thì mới bị thiệt hại thôi.

Hay như câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai, hỏi bất cứ ai rằng, có muốn hệ thống ngân hàng lành mạnh không, chẳng ai nói là không. Thế nhưng khi động đến những nơi, những chỗ cần phải xử lý thì “rút dây là động rừng”. Lúc đó những “dây mơ, rễ má” của nhóm lợi ích loằng ngoằng trong đó mới lộ hết. Tôi biết đó là cuộc chiến khủng khiếp và không chỉ của năm nay mà còn dai dẳng cả một giai đoạn nữa.

Ghế “nóng” thì phải biết làm “nguội”! 2Nếu không tin tôi thì cứ đi hỏi xem dân nào có đủ tiền đến mức lũng đoạn cả thị trường vàng? Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Rất nhiều nước đã chiến đấu thành công với nhóm lợi ích như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore nhưng cũng có một số nước bất lực trước lợi ích nhóm, chẳng hạn như một quốc gia cách Việt Nam không xa. Đất nước này bao nhiêu năm nay không phát triển lên được, cứ làng nhàng mãi là do các nhóm lợi ích níu kéo chính sách, cản trở lợi ích quốc gia.

Hai lần trong một tháng, hai lãnh đạo cao cấp nhất quốc gia đều nói với ông là “Thống đốc không cô đơn”, ông cảm nhận điều đó như thế nào và trên công việc, các vị này đã chia sẻ ra sao, thưa Thống đốc?

Không phải bỗng nhiên mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao lại nói như vậy, nhất là trước cả diễn đàn Quốc hội. Đơn giản, đó chỉ là sự cảm thông và chia sẻ qua một năm Ngân hàng Nhà nước chống chọi với nhiều nhóm chống đối để thiết lập lại trật tự hệ thống tổ chức tín dụng.

Đã có lúc, tôi nghĩ mình là người lính ra trận nhưng thấy buồn vì thiếu vắng đồng đội, vì những luồng dư luận ngang nhiên vu vạ cho các lãnh đạo đất nước và cả tôi, cũng như nhiều lãnh đạo bộ ngành khác nhưng việc xử lý còn rất chậm trễ. Không phải một mình tôi mà còn nhiều người khác cũng bị ảnh hưởng bởi những tin đồn không chính thống này, khiến cho một bộ phận đồng đội thì nửa tin nửa ngờ, nhân dân thì nghi hoặc.

Thậm chí, có những người bị đụng chạm trong quá trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấu trúc còn dám bắn tin đến tôi rằng: “Tôi sẽ xử lý ông trước khi ông xử lý tôi”.

Đáng lẽ, khi ra trận, phải có người trước, người sau, người yểm trợ. Tôi đã từng đặt câu hỏi: ai yểm trợ tôi đây? Tiếc rằng, những thông tin vu khống trắng trợn như vậy đã không được kịp thời giải thích để nhân dân yên tâm, đồng đội có niềm tin, đồng thời những kẻ phá hoại phải bị xử lý.

Ghế “nóng” thì phải biết làm “nguội”! 3Có những người bị đụng chạm trong quá trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấu trúc còn dám bắn tin đến tôi rằng: “Tôi sẽ xử lý ông trước khi ông xử lý tôi”.  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Ngoài ra, những vấn đề trong hệ thống ngân hàng, chẳng hạn như nợ xấu là một ví dụ nữa. Trên thực tế, muốn giải quyết nợ xấu ngân hàng thì một trong những giải pháp quan trọng nhất và trước nhất là tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, bởi nợ xấu ngân hàng thực chất là nợ xấu của doanh nghiệp, của nền kinh tế có địa chỉ tại ngân hàng. Vì thế, không thể đổ hết trách nhiệm lên ngành ngân hàng mà phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ví dụ, vì sao thị trường bất động sản thành bong bóng? Chính là cơ chế chính sách! Đất đai thì của Nhà nước, giá vật liệu xây dựng rõ như ban ngày, tại sao giá nhà lại cao ngất ngưởng như thế? Tại sao các ông chủ bất động sản lại giầu nhanh nhưng nhiều người dân bình thường muốn mua nhà mà đành chịu? Rồi chuyện các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản phải chăng nguyên nhân chính là điều hành của Ngân hàng Nhà nước? Và còn nhiều ví dụ khác nữa...

Một khó khăn nữa là những điều trái chiều trong dư luận. Chưa bao giờ ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều luồng dư luận khác nhau như thời gian qua. Nhưng ẩn sâu trong đó là những toan tính chống đối nhằm mục đích tư lợi cho một bộ phận trong xã hội theo kiểu lợi ích nhóm mà nếu không cảnh giác, sẽ chùn tay và bị chi phối.

Ở một góc độ nào đó, sự cô đơn của tôi là như vậy. Nhưng, cô đơn không có nghĩa là dừng lại và không làm gì cả.

Nhưng, dù có chậm trễ song điều đáng mừng là nhiều người đã nhận thức rõ hơn vấn đề và từng bước nhập cuộc, đặc biệt là quyết tâm của hệ thống chính trị. Trước đây, ở một số diễn đàn, hội nghị, hội thảo và nhất là một số chuyên gia phân tích vẫn bất đồng với quan điểm xử lý nợ xấu, quản lý thị trường vàng... của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Nhưng nay, từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ ngành liên quan đều thống nhất với cách làm của Ngân hàng Nhà nước. Tôi nghĩ, đó chính là một trong những động lực để Ngân hàng Nhà nước mạnh dạn triển khai tiếp những bước đi theo lộ trình đề ra và chúng tôi không còn cô đơn nữa.

Với đà này, sang năm 2013, diện mạo ngành ngân hàng sẽ sáng sủa hơn, dù những bất ổn và khó khăn vẫn còn tiềm ẩn.