10:57 01/04/2011

Giá USD tiến ba ngày, vàng trở lại mốc 37 triệu

Sơn Hà

Giá vàng miếng các thương hiệu trong nước sáng 1/4 đã giành lại mốc 37 triệu đồng/lượng, sau khi tăng mạnh trong phiên trước

Giá vàng thế giới đêm qua bật mạnh do đồng USD yếu đi và dầu tăng giá - Ảnh: Getty.
Giá vàng thế giới đêm qua bật mạnh do đồng USD yếu đi và dầu tăng giá - Ảnh: Getty.
Giá vàng miếng các thương hiệu trong nước sáng nay (1/4) đã giành lại mốc 37 triệu đồng/lượng, sau khi tăng khá mạnh trong phiên giao dịch liền trước. Trong khi đó, tỷ giá USD liên ngân hàng tăng ngày thứ ba liên tiếp, lên 20.708 đồng/USD.

Vào lúc 9h50, vàng SJC của Công ty Phú Quý được niêm yết ở mức 36,88 triệu đồng/lượng giá mua vào và 37,00 triệu đồng/lượng giá bán ra. Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm có giá mua vào là 36,90 và bán là 37,02 triệu đồng/lượng.

Còn theo bảng giá cập nhật lúc 9h00 của Sacombank, vàng SBJ được mua vào với giá 36,92 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 36,98 triệu đồng/lượng. Vàng SJC được mua và bán ở các mức 36,90 và 37,00 triệu đồng mỗi lượng.

Như vậy, so với buổi sáng ngày hôm qua, hiện giá vàng trong nước đã tăng từ 300.000 - 320.000 đồng/lượng, mức tăng khá mạnh so với những phiên giảm giá liên tiếp trước đó. Chênh lệch giữa giá mua và bán của các thương hiệu vào khoảng 60.000 - 120.000 đồng.

Đêm qua, giá vàng thế giới chốt phiên giao dịch cuối quý 1/2011 tăng vọt, do đồng USD suy yếu, bất ổn tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Cụ thể, vàng giao tháng 6 trên sàn Comex tại New York tăng 15 USD/ounce (+1,1%) lên 1.439,90 USD/ounce, vượt qua mức xác lập hôm 23/3 là 1.438 USD/ounce. Như vậy, tính cả quý 1, giá vàng tăng 1,3%. Riêng trong tháng 3, mức tăng là 2,1%.

Trên thị trường châu Á sáng nay, giá vàng quay đầu suy yếu. Theo bảng thanh toán trực tuyến Kitco, vàng giao ngay tại châu Á tính tới 9h55 ở mức 1.430,3 USD/ounce.

Theo chuyên gia phân tích kim loại quý Jim Steel thuộc ngân hàng HSBC ở New York, những lo ngại địa chính trị đã vượt qua cả kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, đà phục hồi của giá dầu và sự lo lắng về vấn đề nợ công của Bồ Đào Nha cũng đẩy giá vàng lên cao.

Ông Steel cho biết, giá dầu cao hỗ trợ vàng không chỉ bằng cách làm gia tăng nỗi lo sợ về lạm phát mà còn đẩy chỉ số hàng hóa lên cao hơn, buộc một số nhà đầu tư phải cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Hôm qua, Chính phủ Bồ Đào Nha thừa nhận đã không đáp ứng được mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2010. Theo đó, thâm hụt ngân sách 2010 của nước này chiếm 8.6% GDP, vượt mức trần 7.3% của Liên minh châu Âu (EU) do sự thua lỗ của các công ty vận tải quốc doanh và một ngân hàng.

Dự kiến, vào ngày 05/06, nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi Thủ tướng Jose Socrates từ chức trong tuần trước.

Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê châu Âu, lạm phát tại 17 quốc gia Eurozone tăng lên 2,6%, trái với dự báo của các nhà kinh tế. Đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2008 và vượt mức trần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng thứ 4 liên tiếp.

Thị trường các kim loại quý khác cũng tăng khá mạnh. Giá bạc tiến lên mức cao 31 năm. Giá bạc giao tháng 5 tăng 38 xu Mỹ lên 37,89 USD/ounce. Giá kim loại này tăng tổng cộng 12%/tháng và 22%/quý.

Giá đồng giao tháng 5 tăng 3 xu Mỹ lên 4,31 USD/lb. Tuy nhiên, đà tăng trong ngày đã không thể bù đắp được mức suy giảm trước đó của kim loại này. Khép lại quý đầu năm, giá đồng giảm 3,1% còn tính cả tháng qua, kim loại này hạ 3,8%.

Giá bạch kim giao tháng 7 tăng 9,1 USD/ounce (+0,5%) lên 1.783,20 USD/ounce. Palladium giao tháng 6 tăng 9,8 USD/ounce (+1,3%) lên 767,90 USD/ounce. Tính cả tháng, bạch kim mất 1,4%, palladium trượt 3,7%. Tính cả quý, bạch kim nhích nhẹ 0,6%, palladium hạ 4,4%.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô quốc tế vượt 106 USD/thùng khi lực lượng nổi dậy tại Lybia rút lui và lực lượng trung thành đối với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi giành lại được thị trấn dầu mỏ Ras Lanuf bên cạnh một số thành quả khác.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn New York tăng mạnh 2,44 USD/thùng (+2,4%) lên 106,72 USD/thùng. Dầu kỳ hạn này tăng 10% trong tháng 3 và 17% trong quý 1. Dầu thô Brent giao tháng 5 trên sàn London tăng 2,23 USD lên 117,36 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 8/2008. Trong quý đầu năm nay, dầu Brent tăng vọt 23,9%.

Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng 31/3, tỷ giá USD liên ngân hàng tăng ngày thứ ba liên tiếp thêm 5 đồng/USD, lên 20.708 đồng/USD. Như vậy, trong ba ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá USD liên ngân hàng lên thêm 20 đồng mỗi USD, lên gần sát mức cao nhất từ trước tới nay là 20.713 đồng/USD được thiết lập và duy trì trong 2 ngày 12/2 và 14/2.

Tỷ giá trần áp dụng tại các ngân hàng thương mại là 20.915 đồng/USD. Cụ thể, tại Vietcombank sáng 31/3, đồng USD được mua vào với giá 20.910 đồng/USD, bán ra ở 20.915 đồng/USD.

Cũng tại Vietcombank, đồng Yên được mua vào ở khoảng giá 246,24 – 248,73 đồng/Yên, bán ra ở 253,71 đồng/Yên. Đồng Euro được giao dịch ở mức 29.392,41 – 29.480,85 đồng/Euro giá mua vào, và 29.891,01 đồng/Euro giá bán ra.