08:45 09/04/2011

Giá vàng bật mạnh lên trên 37,3 triệu đồng

Sơn Hà

Sáng cuối tuần (9/4), giá vàng trong nước bật tăng mạnh hơn 100.000 đồng/lượng, vượt mốc 37,3 triệu đồng

Giá vàng thế giới tăng liền 4 phiên.
Giá vàng thế giới tăng liền 4 phiên.
Theo ghi nhận của VnEconomy, sáng phiên cuối tuần (9/4), giá vàng miếng các thương hiệu trong nước đã tăng bật lên trên 37,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng kỳ hạn và giao ngay đêm qua đều xác lập mốc cao kỷ lục mới.

Tính tới 8h38, giá vàng SJC của Công ty Phú Quý được mua vào ở mức 37,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 37,36 triệu đồng/lượng. So với lúc 16h30 chiều qua, vàng SJC này đã tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 140.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Còn theo bảng giá lúc 8h20 của Sacombank, vàng SBJ đứng ở mức 37,23 - 37,32 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Vàng SJC đứng ở các mức 37,2 và 37,33 triệu đồng/lượng. So với lúc 15h35 chiều 7/4, vàng SBJ và SJC đều tăng 80.000 - 130.000 đồng/lượng ở mỗi đầu.

Trong khi đó, tiếp đà tăng 3 phiên vừa qua, giá vàng thế giới đêm qua chính thức xác lập mốc giá mới. Đồng đôla suy yếu là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư mạnh mẽ mua vàng tích trữ, trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Cũng trên thị trường kim loại quý, giá bạc lên cao nhất trong vòng 31 năm.

Cụ thể, vàng giao tháng 6 tăng 16,6 USD/ounce, tương đương 1,1%, lên 1.475,9 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Trong phiên, có lúc vàng chạm tới mốc 1.476,4 USD/ounce, đỉnh cao mọi thời đại. Tính cả tuần, vàng kỳ hạn này tăng 3,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2010.

Trên thị trường vàng giao ngay ở London, giá vàng loại này cũng tăng mạnh 1,2%, lên mức kỷ lục mới 1.475,52 USD/ounce.

Vàng tăng mạnh, sau khi đồng bạc xanh của Mỹ giảm 1%, xuống mức thấp nhất từ tháng 12/2009 tới nay, so với rổ 6 ngoại tệ chủ chốt khác. Việc dầu thô chạm mức cao nhất trong 30 tháng, cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất cho vay cũng là những lý do khiến vàng tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn.

Một nguyên nhân khác khiến vàng duy trì được đà tăng giá là việc Quốc hội Mỹ và Tổng thống nước này Barack Obama thất bị trong thỏa thuận về ngân sách Liên bang.

Dennis Gartman, nhà kinh tế học thuộc Gartman Letter có trụ sở ở Suffolk, bang Virginia, khuyến nghị khách hàng bán tiền mặt ra và mua vàng vào. Đầu tuần này, Gartman đã khuyến khích các nhà đầu tư bán cổ phiếu Nhật và mua vàng. "Với việc USD đang suy yếu, giá vàng sẽ tăng mạnh hơn", ông này nói.

Tương tự thị trường vàng, giá bạc kỳ hạn giao tháng 5 hôm qua đã tăng hơn 1 USD/ounce, tương đương 2,7%, lên 40,608 USD/ounce.

Sau khi đóng cửa phiên giao dịch thông thường, giá bạc đã vọt lên 40,945 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 1/1980, thời điểm đó giá bạc lên đến 50,35 USD/ounce. Tính cả tuần, bạc tăng 7,6%, mạnh nhất kể từ tháng 2/2010.

Phiên 8/4, giá palladium kim giao tháng 6 tăng 13,95 USD, tương đương 1,8%, lên 794,2 USD/ounce trên sàn New York, sau khi đã chạm mức cao 804 USD trong phiên. Bạch kim giao tháng 7 tăng 21,5 USD/ounce, tương đương 1,2%, lên 1.812,1 USD/ounce. Tính cả tuần, palladium tăng 2,5% còn bạch kim tăng 2%.

Trong khi đó, giá dầu thô quốc tế đêm qua cũng lên mức cao nhất trong 30 tháng, khi đóng cửa sát mức giá 113 USD/thùng, do đồng USD suy yếu và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xuất phát từ chiến sự tại Lybia.

Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5 tại New York tăng 2,49 USD/thùng, tương đương 2,26%, lên 112,79 USD/thùng. Dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 5 tại sàn London tăng 3,28 USD, lên 125,95 USD/thùng. Tính cả tuần qua, dầu Brent Biển Bắc đã tăng 6%, đánh dầu tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Các nhà phân tích cho rằng, ngoài tình hình căng thẳng tại Trung Đông và Bắc Phi, giá dầu tăng mạnh tuần này còn liên quan tới việc Nigeria, nước xuất khẩu dầu lớn, nhiều lần phải hoãn cuộc bầu cử quốc hội do những khó khăn về hậu cần. Ngoài ra, việc thị trường việc làm Mỹ có dấu hiệu cải thiện cũng giúp dầu tăng giá.
 
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi một cách thận trọng những tin tức mới nhất về cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu, sau khi Bồ Đào Nha trở thành thành viên thứ ba trong khu vực này phải xin trợ giúp, sau Hy Lạp và Ireland. Bên cạnh đó còn có nỗi lo lạm phát sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng lãi suất cơ bản.