10:52 15/06/2009

Giá vàng không giữ nổi mốc 21 triệu đồng/lượng

Mai Phương

Đầu giờ chiều nay, trước áp lực giảm giá trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng trong nước đã đồng loạt giảm dưới 2.100.000 đồng/chỉ

Giới đầu tư quốc tế đang theo dõi chặt chẽ đường đi nước bước của đồng USD để ra quyết định mua bán.
Giới đầu tư quốc tế đang theo dõi chặt chẽ đường đi nước bước của đồng USD để ra quyết định mua bán.
Đầu giờ chiều nay, trước áp lực giảm giá trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng trong nước đã đồng loạt giảm dưới 2.100.000 đồng/chỉ.

Giao dịch trên thị trường gần như đóng băng do những người có vàng tiếp tục thắt chặt hoạt động bán ra, trong khi những nhà đầu tư muốn mua vào đang có xu hướng chờ giá giảm thêm.

Giá vàng và dầu thô trên thị trường quốc tế cùng trượt giảm trước sự mạnh lên của tỷ giá đồng USD.

Chính thức mất mốc 2.100.000 đồng/chỉ

Đầu giờ chiều nay, giá vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm thêm trên 5.000 đồng/chỉ so với giá áp dụng vào đầu giờ sáng, về mức phổ biến xấp xỉ 2.090.000 đồng/chỉ (mua vào) và không đầy 2.100.000 đồng/chỉ (bán ra). Như vậy, sau khoảng nửa tháng bám trụ, mốc 21 triệu đồng/lượng đã chính thức rời bỏ thị trường vàng trong nước vào chiều nay.

So với kỷ lục 2.165.000 đồng/chỉ hôm 1/6, giá vàng hiện đã giảm mất gần 70.000 đồng/chỉ. So với giá vàng thế giới quy đổi chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng miếng bán ra tại thị trường trong nước đang cao hơn gần 100.000 đồng/chỉ.

Giá vàng miếng Phượng Hoàng PNJ-DongA Bank của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) áp dụng lúc đầu giờ sáng chiều tại thị trường Hà Nội là 2.087.000 đồng/chỉ (mua vào) và 2.097.000 đồng/chỉ (bán ra). Tại hệ thống Ngân hàng Sacombank, giá vàng miếng hiệu SBJ mua vào và bán ra cùng thời điểm lần lượt là 2.089.000 đồng/chỉ và 2.097.000 đồng/chỉ.

Xu hướng điều chỉnh giảm hiện rõ của giá vàng trong những phiên giao dịch gần đây khiến giao dịch vàng miếng trên thị trường càng thêm uể oải. Tại các tiệm kim hoàn lớn thuộc khu vực được xem là trung tâm kinh doanh vàng của Hà Nội - phố Trần Nhân Tông - số khách tới mua bán rất thưa thớt.

Đại diện của PNJ Hà Nội cho biết, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, PNJ Hà Nội chỉ mua vào gần 100 lượng mỗi ngày và bán ra một khối lượng vàng tương tự. Trong đó, khách tới giao dịch chủ yếu là những người mua bán với khối lượng nhỏ lẻ, không có những nhà đầu tư xuất nhập với khối lượng lớn.

Theo đại diện này, trừ những người thực sự cần tiền mặt, ít người có vàng muốn bán ra ở mức giá xuống như hiện nay. Bên cạnh đó, những người có tiền mặt và muốn mua vàng vào đang có tâm lý đợi giá xuống thêm.

Vàng SJC tại chi nhánh Hà Nội của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đầu giờ chiều đứng ở mức 2.087.000 đồng/chỉ (mua vào) và 2.099.000 đồng/chỉ (bán ra). Giá vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tương ứng là 2.090.000 đồng/chỉ và 2.097.000 đồng/chỉ.

Trên sàn vàng SBJ, không khí giao dịch hôm nay tiếp tục diễn ra sôi động, với gần 370.000 lượng vàng được khớp lệnh thành công ở thời điểm 14h20. Phí rút vàng tại sàn này từ sáng nay đã được đẩy lên 1.000.000 đồng/lượng, do giá vàng khớp lệnh đã lùi về khoảng 19,93-20,40 triệu đồng/lượng.

USD gây áp lực cho giá vàng quốc tế

Giá vàng thế giới đang tiếp tục bám sát sự lên xuống của tỷ giá USD. Dưới áp lực đến từ sự phục hồi của đồng “bạc xanh”, giá vàng quốc tế phiên đầu tuần diễn biến với sự áp đảo của xu thế giảm giá. Vào lúc 14h25 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm 5,2 USD/oz so với giá chốt phiên liền trước tại New York, còn 934,1 USD/oz.

Đồng USD đang nhận được sự hỗ trợ từ những nhận định của một số quan chức khối các nước công nghiệp phát triển G-8 trong cuộc họp của các bộ trưởng bộ tài chính thuộc khối này diễn ra hai ngày cuối tuần vừa rồi tại Lecce, Italy.

Trả lời phỏng vấn hãng tin tài chính Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng vào USD. “Còn quá sớm để nói tới chuyện thay thế đồng USD”, ông Kudrin phát biểu.

Về phân mình, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng, ông không nhận thấy “đồng USD yếu”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peer Steinbrueck khẳng định ông không lo vấn đề tỷ giá đồng Euro tăng 10% so với USD trong vòng 4 tháng qua.

Đầu giờ chiều nay, tỷ giá đồng USD so với Euro trên thị trường quốc tế phổ biến ở mức dưới 1,39 USD tương đương 1 Euro, từ mức dưới 1,40 USD đổi được 1 Euro vào cuối tuần trước tại New York.

Giới đầu tư quốc tế đang theo dõi chặt chẽ đường đi nước bước của đồng USD để ra quyết định mua bán. Trước xu hướng mạnh lên của USD trong hai tuần trở lại đây, một số quỹ đầu tư vàng lớn đang duy trì thế “án binh”. Cụ thể, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục duy trì lượng vàng nắm giữ ở mức 1.132,15 tấn suốt 10 ngày qua.

Giá dầu đi xuống

Cũng trong cuộc họp tại Italy, G-8 nhận định, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu bình ổn, nhưng những tín hiệu phục hồi còn rất mong manh. Lo ngại thâm hụt ngân sách và lạm phát, G-8 bắt đầu tính tới chuyện rút lui khỏi các kế hoạch kích thích kinh tế và giải cứu ngân hàng đang áp dụng. Tuy nhiên, khối này cũng khẳng định, cần xác định thời điểm hợp lý để thực hiện sự rút lui này, vì nếu không sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ bị đảo chiều.

“Tăng trưởng vẫn phải là trọng tâm của chính sách. Còn quá sớm để chuyển sang thắt chặt”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố.

Tuy nhiên, do sự đi lên của tỷ giá USD, giá dầu sáng nay mở cửa trên đà giảm. Lúc 10h30 giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7 giao dịch điện tử tại New York giảm 0,99 USD/thùng so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước, còn 71,05 USD/thùng.

Trong tuần này, thị trường vàng và dầu thô sẽ ít nhiều chịu tác động từ những dữ liệu về lạm phát tháng của Mỹ, bao gồm chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 6 công bố vào ngày thứ Ba, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 công bố vào ngày thứ Tư.

Tỷ giá USD/VND do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố sáng nay là 16.949 VND/USD, tăng 1 VND/USD so với thứ Sáu tuần trước. Tại Ngân hàng Vietcombank, giá mua và bán USD cùng chung mức 17.796 VND/USD.