13:08 12/03/2011

Giá vàng ổn định quanh 37 triệu đồng/lượng

Kiều Oanh

Giá vàng trong nước sáng nay tăng nhẹ so với cuối giờ chiều qua, đứng ổn định quanh mức 37,05 triệu đồng/lượng

Nhiều công ty vàng áp dụng mức chênh lệch rộng, lên tới 200.000 đồng/lượng, giữa giá mua và bán vàng.
Nhiều công ty vàng áp dụng mức chênh lệch rộng, lên tới 200.000 đồng/lượng, giữa giá mua và bán vàng.
Giá vàng trong nước sáng nay (12/3) tăng nhẹ so với cuối giờ chiều qua, đứng ổn định quanh mức 37,05 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng thế giới phiên cuối tuần phục hồi nhẹ, nhưng chốt lại tuần mất giá đầu tiên sau 5 tuần tăng không nghỉ.

Ngay khi mở cửa sáng nay, giá vàng miếng được các doanh nghiệp kim hoàn điều chỉnh tăng thêm 50.000-70.000 đồng/lượng, lên mức 36,9-37 triệu đồng/lượng ở chiều thu mua và 37,05 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tiếp tục giữ thái độ thận trọng trước diễn biến giảm liên tục của giá vàng trong nước tuần này, nhiều công ty vàng áp dụng mức chênh lệch rộng, lên tới 200.000 đồng/lượng, giữa giá mua và bán vàng.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước sáng cuối tuần hôm nay đã ổn định trở lại sau một ngày biến động phức tạp vào hôm qua. Tại thị trường Hà Nội, Công ty Phú Quý giữ giá vàng SJC ở mức 36,87 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,07 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng SBJ tại thị trường Tp.HCM do Công ty Sacombank-SBJ niêm yết từ 9h15 là 36,98 triệu đồng/lượng và 37,06 triệu đồng/lượng (giá mua vào và bán ra).

Sau hai tuần bám trụ quanh ngưỡng 37,7 triệu đồng/lượng, thị trường vàng trong nước đã chứng kiến sự đổ dốc của giá kim loại quý này. Liên tục “bốc hơi” từ đầu tuần, giá vàng miếng hiện đã rẻ đi chừng 650.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.

Ngoài ảnh hưởng từ sự điều chỉnh giảm của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước còn được cho là đang chịu tác động mạnh từ những chủ trương, chính sách của cơ quan chức năng nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ.

Theo các doanh nghiệp kim hoàn, chủ trương tiến tới cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đang khiến không ít người dân hoang mang, không dám mua vàng miếng vào lúc này, hoặc có vàng miếng thì đem bán ra. Tình trạng này khiến giá vàng trong nước “đuối” trước giá thế giới, nhiều khi giảm giữa lúc giá thế giới tăng.

Thị trường ngoại tệ tự do đóng băng từ đầu tuần cũng khiến thị trường vàng suy giảm theo cả về giá và khối lượng giao dịch. Do giá vàng trong nước thường được tính dựa trên tỷ giá USD tự do, nên khi USD tự do “không có giá”, thị trường vàng cũng bị “làm khó” theo.

Trong phiên giao dịch cuối tuần tại New York, vàng tăng giá trước thông tin về thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Chốt phiên, giá vàng giao ngay tăng 8,5 USD/oz, chốt ở mức 1.420,6 USD/oz. Tuần này, giá vàng giảm 0,9%, kết thúc chuỗi 5 tuần liên tục tăng trước đó.

Giới phân tích nhận định, vàng có khả năng tăng giá trở lại trong tuần tới khi đang có nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá kim loại quý này.

Tình hình khủng hoảng ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn căng thẳng, trong khi đồng USD đang có chiều hướng suy yếu so với Euro. Cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực châu Âu vẫn còn lơ lửng, khi mà mới đây Tây Ban Nha bị Moody’s cắt giảm điểm tín nhiệm nợ công.

Nỗi lo lạm phát toàn cầu cũng là một nhân tố hỗ trợ quan trọng cho giá vàng ở thời điểm hiện nay. Thống kê mới nhất tại Trung Quốc cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo trước đó của giới phân tích. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới bên cạnh Ấn Độ.

Theo Bloomberg, trong cuộc điều tra hàng tuần về dự báo giá vàng tuần tới do hãng tin tài chính này tiến hành, có 10/16 chuyên gia được hỏi cho rằng giá vàng sẽ tăng, 4 người dự báo giá giảm, 2 người có quan điểm trung tính.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 tại New York giảm 1,54 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chốt tuần ở mức 101,16 USD/thùng. Ở mức giá này, “vàng đen” đã rẻ đi 3,1% so với cuối tuần trước.

Việc hàng loạt nhà máy tại Nhật Bản phải đóng cửa vì động đất đã kéo dầu thô giảm giá phiên này. Đây được xem là trận động đất lớn nhất tại Nhật trong 140 năm qua. Theo số liệu mới nhất, đã có khoảng 1.300 người thiệt mạng vì thảm họa này.