10:52 24/03/2011

Giá vàng thế giới lập kỷ lục, trong nước ngược dòng

Sơn Hà

Sáng 24/3, giá vàng trong nước tiếp tục lội ngược dòng, bất chấp giá thế giới vọt lên các mức cao mới

Một phi cơ của Mỹ xuất phát trong chiến dịch không kích Libya, ngày 20/3 - Ảnh: Reuters.
Một phi cơ của Mỹ xuất phát trong chiến dịch không kích Libya, ngày 20/3 - Ảnh: Reuters.
Sáng 24/3, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước tiếp tục dao động quanh mốc 37 triệu đồng/lượng, mặc dù giá thế giới đêm 23/3 đã bứt phá lên kỷ lục mới. Trong ngân hàng, USD giữ nguyên mức giá trong phiên giao dịch liền trước.

Tính đến 10h30, vàng SJC của Công ty Phú Quý được niêm yết ở mức 36,92 triệu đồng/lượng giá mua vào và 37,05 triệu đồng/lượng giá bán ra. Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm có giá mua và bán tương tự.

Còn theo bảng giá cập nhật lúc 9h55 của Sacombank, vàng SBJ được mua vào với giá 36,95 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 37,01 triệu đồng/lượng. Vàng SJC được mua và bán ở các mức 36,94 và 37,02 triệu đồng mỗi lượng.

Như vậy, kể từ hôm đầu tuần tới giờ, vàng trong nước đã liên tục điều chỉnh giảm. So với giá sáng 23/3, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước hiện đã giảm thêm 20.000 - 40.000 đồng mỗi lượng.

Ngược chiều với giá trong nước, vàng quốc tế đêm qua đóng cửa ở mức cao kỷ lục, do những lo ngại về giá dầu quốc tế leo thang, trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Trung Đông và Bắc Phi, cùng nguy cơ phóng xạ chưa được giải trừ ở Nhật Bản.

Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex tại New York tăng 10,4 USD/ounce (+0,7%) lên 1.438 USD/ounce, vượt hơn mức kỷ lục xác lập hôm 2/3 (1.437,7 USD/ounce). Giá vàng giao ngay tại New York cũng tăng 9,8 USD/ounce.

Trên thị trường châu Á sáng nay, giá vàng dao động mạnh, có lúc vượt lên trên vùng 1.440 USD/ounce. Theo bảng thanh toán trực tuyến Kitco, tính tới 10h30, giá vàng giao ngay đang ở mức 1.437 USD/ounce.

Theo chiến lược gia Adam Klopfenstein thuộc hãng Lind Waldock tại Chicago (Mỹ), thị trường vàng đang nhận được nhiều hỗ trợ, bao gồm bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi, thiên tai ở Nhật Bản, chính sách nới lỏng tiền tệ của FED và tỷ lệ lạm phát ở mức cao.

Hôm qua (23/3), Phó thống chế không quân của Anh quốc, Greg Bagwell, tuyên bố lực lượng không quân của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi "không còn tồn tại như một lực lượng chiến đấu" nữa.

Ông Bagwell cho biết, quân đồng minh nay có thể hoạt động gần như tự do trên bầu trời quốc gia Bắc Phi này và họ đang gây áp lực ghê gớm lên lực lượng không quân Libya. Theo ông Bagwell, lực lượng liên quân đã lấy mất "tai mắt của ông Gaddafi và lực lượng không quân của vị đại tá này bị tổn thất nghiêm trọng".

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cho rằng, ông Gaddafi và tùy tùng có thể đang tìm cách xin tị nạn. Theo bà Hillary, những người gần gũi với ông Gaddafi đã liên hệ với các đối tác quen biết ở châu Phi, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác để xem họ phải làm gì.

Tại Nhật Bản, hôm 23/3, các nhà chức trách cảnh báo đã phát hiện chất phóng xạ iodine trong nguồn nước tại thủ đô Tokyo, và khuyến cáo trẻ em tại thành phố này cùng các khu vực lân cận không nên uống nước máy.

Cùng ngày, Nhật Bản công bố, ước tính thiệt hại do trận động đất và sóng thần hôm 11/3 gây ra ở khoảng từ 16.000 tỷ Yên (198 tỷ USD) đến 25.000 tỷ Yên (309 tỷ USD). Tuy nhiên, dự báo của Nhật Bản công bố hôm nay vẫn chưa bao gồm những ảnh hưởng từ vấn nạn thiếu điện. Do vậy, con số cuối cùng thậm chí có thể còn cao hơn nữa.

Liên quan tới kinh tế Mỹ, theo công bố ngày 23/3 của Bộ Thương mại nước này, giá nhà ở giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003. Trong khi, Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và cần thiết của chương trình nới lỏng định lượng lần thứ hai với giá trị 600 tỷ USD.

Tại châu Âu, nhiều khả năng Quốc hội Bồ Đào Nha sẽ bác bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng để kiểm soát tình hình tài chính. Theo công bố của Chính phủ Bồ Đào Nha, do đầu tư sụt giảm và việc nước này cắt giảm chi tiêu công, mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ giảm 0,9%, đến năm 2012 sẽ tăng trưởng 0,3%.

Chiến lược gia Klopfenstein nhận định, giá vàng quốc tế sớm muộn gì cũng sẽ chạm mốc 1.500 USD/ounce, nếu giá kim loại quý này đứng quanh ngưỡng 1.475 USD/ounce trong các phiên tiếp theo. Hôm qua, giá vàng tăng ngay khi mở phiên và mạnh hơn vào cuối phiên, khi giá dầu vọt qua ngưỡng 106 USD/thùng trước khi suy yếu.

Chốt phiên 23/3, dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn New York tăng 78 xu Mỹ (+0,7%) lên 105,75 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối tháng 9/2008, do lo ngại thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5 trên sàn London giảm nhẹ 15 xu Mỹ xuống 115,55 USD/thùng khi kết thúc ngày giao dịch.

Tương tự thị trường vàng, giá các mặt hàng kim loại khác cũng tăng khá mạnh trong phiên giao dịch hôm qua. Cụ thể, đồng giao tháng 5 tăng 2,7% lên 4,43 USD/lb, cao nhất kể từ ngày 4/3. Bạc giao tháng 5 tăng 2,6% lên 37,2 USD/ounce, cao nhất trong 30 năm qua. Bạch kim giao tháng 4 tăng 1,2% lên 1.760 USD/ounce. Palladium giao tháng 6 tăng 1,6% lên 749,30 USD/ounce.

Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng nay, giá USD trong hệ thống ngân hàng thương mại đứng yên, sau khi tăng 3 ngày liên tiếp. Cụ thể, tại Vietcombank, đồng USD được mua vào với giá 20.890 đồng/USD, bán ra ở 20.895 đồng/USD.

Đồng Yên được mua vào ở khoảng giá 254,21 – 256,78 đồng/Yên, bán ra ở 262,42 đồng/Yên. Đồng Euro được giao dịch ở mức 29.309,87 – 29.398,06 đồng/Euro giá mua vào, và 29.863,60 đồng/Euro giá bán ra.