11:07 27/08/2009

Giá vàng trong nước “lệch pha” với thế giới

Mai Phương

Giá vàng trong nước giảm nhẹ liên tục, dù vàng thế giới vẫn nhích giá

Sự biến động không rõ xu hướng vẫn đang là đặc điểm chính của giá vàng thế giới.
Sự biến động không rõ xu hướng vẫn đang là đặc điểm chính của giá vàng thế giới.
Giá vàng trong nước giảm nhẹ liên tục, dù vàng thế giới vẫn nhích giá. Đồng USD mạnh lên, trong khi giá dầu liên tục đi xuống và lùi về ngưỡng 71 USD/thùng.

Giá vàng trong nước giảm nhỏ giọt

Giá vàng miếng các thương hiệu trong nước sáng nay mở cửa phổ biến ở mức trên 2.115.000 đồng/chỉ (mua vào) và trên 2.120.000 đồng/chỉ (bán ra). So với giá áp dụng sáng qua, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/chỉ.

Từ đầu tuần tới nay, giá vàng trong nước liên tục giảm nhỏ giọt và không mấy bám sát với diễn biến của giá vàng thế giới. Cụ thể, vào ngày 25/8 vừa qua, giá vàng trong nước có giảm theo giá vàng thế giới, nhưng với mức giảm khiêm tốn hơn. Còn trong ngày 26/8 và sáng nay 27/8, giá vàng trong nước giảm nhẹ, bất chấp giá vàng thế giới vẫn nhích lên.

Có thể nhận thấy, lực cung và lực cầu trên thị trường vàng miếng cùng yếu trong thời gian này, cộng với sự thiếu sóng của giá vàng thế giới, là lý do dẫn tới sự “lệch pha” trên. Dù sức mua trên thị trường vàng trang sức đã được cải thiện đáng kể nhờ vào mùa cưới, nhưng sự gia tăng này vẫn chưa thể đủ lực để tạo ra những biến động mạnh hơn về giá trên thị trường vàng nói chung.

Vàng SJC tại chi nhánh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Hà Nội lúc đầu giờ sáng nay đứng ở mức 2.118.000 đồng/chỉ (mua vào) và 2.124.000 đồng/chỉ (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, vàng miếng Phượng Hoàng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có giá tương ứng là 2.116.000 đồng/chỉ và 2.121.000 đồng/chỉ.

Vàng SBJ loại 5 chỉ và 1 lượng giao dịch tại hệ thống Ngân hàng Sacombank trên toàn quốc giá mua vào và bán ra lần lượt là 2.115.000 đồng/chỉ và 2.121.000 đồng/chỉ. Vàng miếng SBJ loại nhỏ (nửa chỉ, 1 chỉ và 2 chỉ) có giá tương ứng là 2.115.000 đồng/chỉ và 2.118.000 đồng/chỉ.

Trên sàn vàng SBJ, giá khớp lệnh thời gian gần đây liên tục ổn định trên mức 20 triệu đồng/lượng. Giá khớp lệnh sáng nay tại sàn này biến động trong biên độ hẹp do giá vàng thế giới ít linh hoạt, dao động từ 20,20-20,39 triệu đồng/lượng tính tới thời điểm 10h10.

Tuy nhiên, với hoạt động tranh thủ lướt sóng ngắn của giới đầu tư, khối lượng khớp lệnh được duy trì ở mức cao, đạt trên 374.000 lượng tính tới thời điểm trên. Phí rút vàng tại sàn SBJ sáng nay là 1,050 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới không rõ xu hướng

Sự biến động không rõ xu hướng vẫn đang là đặc điểm chính của giá vàng thế giới. Kết thúc phiên giao dịch đêm qua tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 0,6 USD/oz so với giá chốt phiên trước, lên mức 946,5 USD/oz. Tại thị trường châu Á sáng nay, giá vàng cầm cự trên mức 946 USD/oz.

Dường như, thị trường vẫn chưa ngã ngũ được chuyện tỷ giá USD so với các đồng tiền mạnh khác sẽ diễn biến ra sao khi kinh tế thế giới phục hồi. Người này cho rằng kinh tế Mỹ mạnh lên sẽ kéo tỷ giá USD lên, nhưng người khác lại cho rằng khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ và việc nước này chưa thể sớm tăng nhanh lãi suất trở lại sẽ còn tác động tiêu cực tới tỷ giá “bạc xanh”.

Do có sự liên hệ mật thiết với giá USD, nên khi tỷ giá đồng tiền này không có sự biến động rõ nét, giá vàng cũng “dùng dằng” theo.

Đồng USD đêm qua và sáng nay phục hồi nhẹ, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp so với Euro. Thông tin kinh tế phát đi từ Mỹ đêm qua tiếp tục là những dữ liệu khả quan.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán nhà mới trong tháng 7/2009 đã tăng 9,6%, đưa tổng số nhà bán trong 12 tháng lên 433.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ mức 395.000 trong tháng 6/2009. Cũng theo Bộ này, nhu cầu mua máy bay thương mại tăng mạnh đã đẩy tổng số đơn đặt hàng lâu bền ở Mỹ tăng 4,9% trong tháng 7/2009 - mức tăng mạnh nhất trong 2 năm qua, từ mức giảm 1,3% trong tháng 6.

Những đồng tiền chủ chốt có lãi suất thấp như USD và Yên Nhật còn đang được hỗ trợ bởi thông tin về khả năng hạn chế sản lượng một số ngành sản xuất của Trung Quốc.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn tin website Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 26/8 cho biết, nước này đang xem xét việc hạn chế công suất dư thừa trong một số lĩnh vực như sản xuất thép và xi măng, nhằm kiểm soát sự tăng trưởng đầu tư đang leo thang do hoạt động tín dụng cởi mở thời gian qua.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường chỉ đạo đối với một số bộ phận của các ngành sản xuất than, kính và điện lực. Việc bán cổ phiếu và trái phiếu của các công ty thuộc các ngành bị hạn chế cũng sẽ được kiểm soát chặt hơn.

Giới đầu tư lo ngại, việc hạn chế sản xuất như vậy ở Trung Quốc sẽ ít nhiều ảnh hưởng bất lợi tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, những đồng tiền có lãi suất thấp lại được tìm đến nhiều hơn do có mức độ an toàn cao hơn. Tỷ giá Euro/USD quốc tế hiện là 1 Euro tương đương trên 1,42 USD, từ mức 1 Euro đổi được gần 1,43 USD ngày hôm qua.

Giá dầu về 71 USD/thùng

Giá dầu thế giới đêm qua và sáng nay giảm liên tục. Kết thúc phiên giao dịch tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 giảm 0,68 USD/thùng (0,9%), còn 71,37 USD/thùng. Vào lúc 10h38 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu tại New York còn 71,15 USD/thùng, giảm thêm 0,28 USD/thùng so với giá đóng cửa hôm qua.

Giá dầu giảm do thông tin về khả năng việc hạn chế sản xuất ở Trung Quốc, đồng USD mạnh lên, và cả thông tin về dự trữ dầu của Mỹ tăng nhẹ, trái với với dự báo giảm trước đó của giới quan sát. Theo báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm qua, dự trữ dầu thô của nước này tuần qua giảm 128.000 thùng, còn 343,8 triệu thùng.

Trong nước, tỷ giá USD liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 16.973 VND/USD, tăng 2 VND/USD so với hôm qua. Tại Vietcombank, giá mua và bán USD cùng chung mức 17.822 VND/USD.