10:53 19/12/2011

Giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng

Kiều Oanh

So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng bán lẻ của SJC đang cao hơn xấp xỉ 3 triệu đồng/lượng

Giá vàng được dự báo chịu nhiều áp lực giảm trong tuần này.
Giá vàng được dự báo chịu nhiều áp lực giảm trong tuần này.
Đà giảm khá mạnh của giá vàng quốc tế khiến giá vàng trong nước tụt dưới ngưỡng 44 triệu đồng/lượng sáng nay (19/12), trong khi giá USD thị trường tự do nhích lên. Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng có thể tiếp tục đi xuống trong tuần này do những áp lực bủa vây từ nhiều phía.

Hơn 10h sáng nay, vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá cho thị trường Tp.HCM ở mức 43,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,95 triệu đồng/lượng (bán ra), hạ 50.000 đồng mỗi lượng so với sáng thứ Bảy tuần trước.

Đầu giờ, giá vàng trong nước tăng lên mức 44,05 triệu đồng/lượng, bất chấp giá vàng quốc tế giảm trên thị trường châu Á. Tuy nhiên, khi tốc độ giảm giá của vàng quốc tế được đẩy nhanh sau đó, giá vàng trong nước cũng giảm theo. Nhìn chung, giá vàng trong nước sáng đầu tuần ổn định, chỉ xoay quanh mốc 44 triệu đồng/lượng.

Lúc 10h20 tại Hà Nội, vàng miếng SJC được Công ty Phú Quý giao dịch ở mức 43,7 triệu đồng/lượng và 43,97 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra.

Hai thương hiệu vàng AAA và Rồng Thăng Long tiếp tục được niêm yết giá thấp hơn vàng SJC trên 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, trong khi vàng SBJ và PNJ có giá tương đối sát với vàng SJC.

So với giá vàng quốc tế quy đổi (theo giá USD tự do và chưa tính các chi phí liên quan), giá vàng bán lẻ của SJC đang cao hơn xấp xỉ 3 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này đã được thiết lập từ khi giá vàng quốc tế giảm mạnh trong tuần trước và tới nay vẫn chưa có sự co hẹp nào đáng kể.

Tại Hà Nội, giá USD tự do lúc hơn 10h sáng nay đứng ở mức 21.330 đồng (mua vào) và 21.380 đồng (bán ra), giá thu mua tăng 10 đồng, giá bán tăng 30 đồng so với thứ Bảy tuần trước.

Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng hôm nay được Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 20.813 đồng. Mức tỷ giá này đã được duy trì từ ngày 14/12 tới nay, sau khi đứng yên ở mức 20.803 đồng hơn 40 ngày trước đó.

Tại Ngân hàng Vietcombank, báo giá USD sáng nay cũng không thay đổi ở mức 21.015 đồng (mua vào) và 21.021 đồng (bán ra).

Giá vàng giao ngay tại châu Á lúc 10h30 giờ Việt Nam là 1.591,7 USD/oz, giảm 9 USD/oz so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York.

Bất chấp phiên phục hồi 1,8% cuối tuần vừa rồi, vàng vẫn đang chịu áp lực giảm giá mạnh do những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Do vàng không còn được xem là “hầm trú ẩn” hàng đầu, nên kim loại quý này thời gian gần đây liên tục mất giá cùng các loại hàng hóa cơ bản khác và chứng khoán khi có tin xấu.

Ngoài ra, vàng còn giảm giá do nhiều quỹ đầu tư bán vàng ra để huy động tiền mặt khi mà thời điểm chốt năm 2011 đang tới gần. Đồng USD tăng giá so với Euro cũng gây áp lực giảm giá cho vàng.

Theo nhiều nhà phân tích, những yếu tố trên sẽ tiếp tục khiến vàng mất giá trong tuần này.

“Giá vàng hiện vẫn đang trong tình thế dễ tổn thương. Theo tôi, vàng sẽ còn chịu áp lực giảm giá vì sự căng thẳng nguồn vốn sẽ buộc giới đầu tư bán vàng”, nhà phân tích Robin Bhar thuộc công ty Credit Agricole nhận định với hãng tin Reuters.

Nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc ngân hàng Commerzbank của Đức nhận định với Bloomberg, giá vàng có thể giảm dưới 1.500 USD/oz trong ngắn hạn. “Bây giờ, vàng không phải là một vịnh tránh bão”, ông Briesemann nói.

Một số chuyên gia khác cho rằng, vàng vẫn có khả năng phục hồi trong tuần này, nhưng với điều kiện phải giữ được các ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.560 USD/oz và 1.530 USD/oz, đồng thời USD phải xuống giá so với Euro. Tuy nhiên, nếu tăng giá, vàng khó vượt qua được mốc 1.640 USD/oz.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay ở mức 1,3 USD/Euro, gần mức thấp nhất trong vòng 11 tháng.

Tuần này, diễn biến tỷ giá đồng Euro và giá vàng được nhận định sẽ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Giới đầu tư đang lo ngại khối Eurozone sắp sửa chịu một đợt hạ điểm tín nhiệm đánh vào nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng.