10:17 21/11/2008

“Giảm phát tại Việt Nam chưa đáng ngại”

Thúy Lan

Nhận định của Trưởng đại diện ADB tại Việt Nam xung quanh những lo ngại về giảm phát có thể xảy ra ở Việt Nam

Ông Ayumi Konishi.
Ông Ayumi Konishi.
Nhận định của ông Ayumi Konishi, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam xung quanh những lo ngại về giảm phát có thể xảy ra ở Việt Nam.

Thưa ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 vừa qua giảm 0,19%. Một số nhận định đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự giảm phát ở Việt Nam, điều này có đáng lo ngại không và ông đánh giá thế nào về tình hình những tháng cuối năm?

Sau rất nhiều tháng lạm phát tăng cao, ít nhất chúng ta cũng đã thấy dấu hiệu đi xuống của lạm phát. Tôi rất vui mừng về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát tình hình lạm phát.

Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng chỉ số tiêu dùng âm tháng 10 vừa qua đã phản ánh một thực tế rằng giá cả lương thực đang giảm xuống, đặc biệt là dư thừa về lượng gạo và sự giảm sút của giá cả hàng hóa trên thế giới do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế gây ra.

Chúng ta có thể nói rằng những nguy cơ mà Việt Nam đang phải đối mặt chính là sự thay đổi từ lạm phát cao tới việc có thể tốc độ tăng trưởng đang giảm dần. Tuy nhiên hãy phân tích kỹ những nguyên nhân của tình trạng lạm phát ở Việt Nam, có thể do yếu tố hạn chế về tổng cầu hay vấn đề thiếu hiệu quả là lý do chính.

Trong giai đoạn gần, chúng tôi tin giá nhiên liệu và giá lương thực trên thế giới sẽ còn tăng cao. Việt Nam sẽ phải chú ý lạm phát có thể tăng trở lại và từ đó cố gắng đáp ứng sự thúc ép về nguồn cung như hiện nay.

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục có những động thái giảm lãi suất cơ bản. Ở một khía cạnh nào đó, ông có nhận thấy điều này liên quan đến câu hỏi về giảm phát?

Chúng tôi thấy rằng phần lớn những chính sách gần đây của Ngân hàng Trung ương Việt Nam phản ánh quan tâm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và hệ thống ngân hang thương mại. Họ đang đối mặt với những khó khăn do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế gây ra trong điều kiện thắt chặt chính sách tiền tệ vừa qua.

Chúng tôi đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam muốn đảm bảo tính thanh khoản trong nội bộ ngân hàng cũng như giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay tín dụng tốt hơn.

Kể từ khi tỷ lệ lãi suất thực tế tăng ổn định do tỉ lệ lạm phát có chiều hướng đi xuống và hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đang nhanh chóng cắt giảm tỷ lệ lãi suất để chống lại sự suy thoái kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những hành động hỗ trợ, mặc dù có thể hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam còn khá non trẻ.

Trong một chừng mực nào đó, những hành động này đang hướng tới ngân hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt, nó sẽ cần thiết đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường sự giám sát ngành kinh tế và ngân hàng để đảm bảo rằng những chính sách này thu được những kết quả đã đề ra.

Việc kiềm chế lạm phát vẫn được coi là mục tiêu quan trọng. Ông có nghĩ rằng chúng ta nên nhìn xa hơn về khả năng gây ra giảm phát?

Do tình hình kinh tế thế giới đang khó khăn, tôi hoàn toàn nhận thấy đây là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam để tập trung vào sự ổn định và phục hồi kinh tế theo như Quốc hội đã xác nhận. Chúng tôi ủng hộ mục đích của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ một cách linh hoạt theo diễn biến tình hình mới.

Tôi không lo lắng về sự giảm phát cũng như suy thoái. Điều chúng tôi đang nhìn thấy là sự tăng trưởng giảm đi, điều này hoàn toàn khác hẳn với sự đình trệ hay giảm phát.

Tuy nhiên, những phương thức để kích thích nền kinh tế cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng bởi vì chúng sẽ làm tăng vùng tổn thương bên ngoài nền kinh tế Việt Nam và đây là mối quan ngại thực sự.

Liệu Chính phủ có nên xem xét vấn đề giảm phát tại thời điểm này trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang trong thời kỳ suy thoái?

Do mối nguy lạm phát giảm xuống nhanh chóng, Chính phủ Việt Nam nên bắt đầu nhìn vào vấn đề tăng trưởng, cũng như sự suy giảm kinh tế toàn cầu.

Việc ưu tiên chính sách cần phải  phù hợp để đảm bảo rằng tình trạng việc làm và sự duy trì hệ thống kinh tế quốc gia thông qua việc bảo vệ những khu vực yếu hơn. Việc tập trung quan tâm tới người nghèo cũng hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, sự mở rộng bảo vệ xã hội sẽ có ảnh hưởng lớn hơn vào tiêu dùng nhập khẩu hay tính dễ bị tổn thương từ bên ngoài của Việt Nam.

Về mặt vĩ mô, Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào tăng cường môi trường kinh doanh để đảm bảo dòng vốn FDI được ổn định, cải tổ cấu trúc để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bao gồm tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cải cách hành chính.