19:20 15/01/2007

Giảm thanh toán tiền mặt: Sẽ ban hành nhiều biện pháp mạnh

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng lượng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán sẽ giảm mạnh, đặc biệt là trong khu vực công và doanh nghiệp

Vẫn nhiều doanh nghiệp rút tiền mặt về để trả lương - Ảnh: Việt Tuấn.
Vẫn nhiều doanh nghiệp rút tiền mặt về để trả lương - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết lượng tiền mặt trong thanh toán đã giảm đáng kể, từ 21,4% trong năm 2005 xuống còn 18,8%.

Tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm nhanh từ năm 2008, khi một số giải pháp mạnh được thực hiện. Đây cũng là mục tiêu của Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điểm nổi bật trong đề án trên là đến cuối năm 2008 việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công chính thức được thực hiện; đến cuối năm 2010, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền tỉnh, thành phố đều thực hiện chi tiêu công bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; xa hơn, từ năm 2011 – 2020, sẽ triển khai mở rộng đến các đối tượng là sở, ban, ngành, các cấp chính quyền huyện, xã trên phạm vi toàn quốc.

Đề án cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2010 tại khu vực doanh nghiệp sẽ có khoảng 80% các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp được thực hiện qua tài khoản tại ngân hàng; đến năm 2020 dự kiến đạt 95%.

Ngoài ra, đến cuối năm 2010, ước tính sẽ có khoảng 20 triệu tài khoản cá nhân; trong đó, 70% cán bộ hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân sẽ thực hiện trả lương qua tài khoản. Những con số trên đến năm 2020 sẽ là 45 triệu tài khoản; 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và 80% lao động được trả lương qua tài khoản…

Nếu những mục tiêu trên đạt được, đến năm 2020, Việt Nam cơ bản thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt để tiến tới một nền kinh tế có hệ thống thanh toán hiện đại và đại chúng. Theo đó, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán có thể nằm ở mức 1 con số.

Hiện tại, dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai vào giai đoạn 2, đúng với cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB). Trước đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được mở rộng đáng kể trong năm 2006.

Hệ thống thanh toán điện tử giữa các ngân hàng hiện đã có 65 ngân hàng thành viên với 270 chi nhánh tham gia. Bình quân mỗi ngày hệ thống này thực hện từ 12.000 - 13.000 giao dịch với tổng giá trị giao dịch 8.000 tỷ đồng/ngày.

Theo Ngân hàng Nhà nước, ngoài khu vực công, tỷ lệ tiền mặt trong thanh toán sẽ giảm mạnh khi có sự tham gia của các doanh nghiệp cũng như các chủ thể kinh doanh; và sự tham gia này đang là một xu thế tất yếu.