04:55 30/05/2008

Giao dịch bằng ATM phải trả phí?

Hoàng Vũ

Các giao dịch rút tiền, chuyển khoản từ máy ATM có thể sẽ phải trả phí từ ngày 1/7 tới

Với khoảng 20 triệu giao dịch/tháng, các ngân hàng sẽ thu về nguồn phí đáng kể.
Với khoảng 20 triệu giao dịch/tháng, các ngân hàng sẽ thu về nguồn phí đáng kể.
Các giao dịch rút tiền, chuyển khoản từ máy ATM có thể sẽ phải trả phí từ ngày 1/7 tới.

Đây là kế hoạch của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, theo đó, mức phí được thống nhất tối thiểu là 1.000 đồng/giao dịch. Mức phí tối đa sẽ tùy thuộc theo tính toán và ấn định cụ thể của mỗi ngân hàng.

Hình thức thu phí và thời điểm thu cũng sẽ tùy thuộc vào kế hoạch của mỗi ngân hàng. Nhiều khả năng phí giao dịch sẽ được thu trực tiếp bằng cách trừ vào số dư của tài khoản và báo cáo qua biên lai.

Giải thích về kế hoạch này, Hội Thẻ cho rằng trong thời gian qua và theo định hướng phát triển, các ngân hàng phải dành một khoản đầu tư lớn cho hệ thống ATM. Giá một máy ATM bình quân hiện là 30.000 USD, ngoài ra ngân hàng còn phải duy trì các chi phí bảo trì, nâng cấp, tiền thuê địa điểm đặt máy…

Trong khi đó, thời gian qua các giao dịch qua hệ thống này được miễn phí, phục vụ cho mục đích phổ cập và “công ích”.

Việc thực hiện thu phí này cũng nằm trong yêu cầu có thêm nguồn đầu tư cần thiết cho các ngân hàng tăng cường các dịch vụ tiện ích mới cho hệ thống.

Trước khi thống nhất việc thu phí theo các giao dịch, có ba phương án được đưa ra để các ngân hàng xem xét. Ngoài phương án trên là thu phí thường niên hoặc thu phí giao dịch lần 2.

Với thu phí theo giao dịch, mức tối thiểu là 1.000 đồng/giao dịch. Mức cao nhất dự tính có thể là 3.000 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ xem xét để có mức thu phù hợp với hệ thống, trong đó không loại trừ yếu tố cạnh tranh.

Phương án thu theo phí thường niên sẽ ấn định một mức cố định trên mỗi tài khoản thẻ, theo thời hạn mỗi tháng.

Với phương án thu theo giao dịch lần 2, được tính từ các giao dịch lần thứ hai trở lên. Ví dụ, với các loại thẻ có hạn mức tối đa mỗi lần rút tiền là 2 triệu đồng, cần rút 10 triệu đồng phải thực hiện 5 lần giao dịch, 4 lần giao dịch sau phải trả phí.

Ở ba phương án trên, thu phí theo mỗi lần giao dịch và theo mức phí phù hợp của mỗi ngân hàng sẽ đảm bảo yếu tố công bằng giữa các chủ thẻ. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng xem xét lựa chọn phương án này.

Hiện tại, có 30 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thẻ. Một số thành viên mới cũng chuẩn bị nhập cuộc và triển khai lắp đặt hệ thống ATM, tham gia các liên minh. Thị trường cũng đã đón nhận khoảng 130 thương hiệu thẻ trong và ngoài nước, liên minh, liên kết…

Theo số liệu từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thị trường có gần 4.000 máy ATM, hơn 9 triệu chủ thẻ với số lượng giao dịch lên đến 20 triệu giao dịch/tháng. Với lượng giao dịch này, các ngân hàng sẽ có một nguồn phí đáng kể.

Trong giá trị trên, hiện Vietcombank đang dẫn đầu với 25% thị phần, kế đến là Ngân hàng Đông Á (khoảng 20%), Ngân hàng Công thương (khoảng 19%), Ngân hàng Nông nghiệp (khoảng 13%)…