02:02 30/09/2010

Gỡ dần các nút thắt, ngân hàng tính giảm lãi suất

Văn Thành

Dự kiến trung tuần tháng 10 này các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất VND

Dự kiến từ ngày 15/10 các ngân hàng sẽ rút lãi suất huy động VND về cao nhất 11%/năm.
Dự kiến từ ngày 15/10 các ngân hàng sẽ rút lãi suất huy động VND về cao nhất 11%/năm.
Dự kiến trung tuần tháng 10 này các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất VND như định hướng thỏa thuận đạt được ba tháng trước đó.

Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, qua cam kết với VNBA tại buổi họp tuần trước, nhiều ngân hàng thương mại đang chuẩn bị giảm lãi suất huy động từ mức cao nhất hiện nay 11,2%/năm xuống 11%/năm. Kế hoạch này dự kiến thực hiện từ ngày 15/10 tới.

Vay vốn sợ lỗ…

Ngày 5/7/2010, thị trường đón nhận sự kiện các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Qua thỏa thuận giữa các thành viên VNBA, lãi suất huy động từ trên 11,5%/năm được rút về tối đa 11,2%/năm. Lãi suất cho vay cũng từng bước giảm về khoảng 12,5% - 15%/năm, tùy theo các nhóm đối tượng ưu đãi…

Từ đó đến nay, lộ trình tiếp tục hạ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ (huy động xuống 10%/năm, cho vay xuống 12%/năm) vẫn chưa thể thực hiện.

Tại buổi tọa đàm về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng 29/9, lãi suất cao cũng là một chủ đề nóng được các diễn giả đề cập đến.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng lãi suất cao là một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong năm 2010.

Năm 2009, nhiều doanh nghiệp có được thuận lợi với lãi suất thấp, qua chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Bước sang năm 2010, lãi suất đột ngột tăng cao, cộng với tỷ giá tăng, giá nguyên vật liệu tăng… dồn đẩy chi phí, trong khi việc mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường khó có tốc độ tương ứng sau ảnh hưởng của khủng hoảng.

Theo phân tích của TS. Cao Sỹ Kiêm, lãi suất vay vốn hiện quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Điều này được đặt trong khả năng kinh doanh có lời, khả năng tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xuất khẩu. Lãi suất vay vốn khoảng 14% - 15%/năm, nếu doanh nghiệp đạt được tỷ suất sinh lời 20%, thì phần còn lại còn phải trang trải cho nhiều loại chi phí khác. Theo đó, nhiều trường hợp vay vốn lãi suất cao có thể lỗ, lợi nhuận suy giảm.

“Hiện 80% - 90% vốn vay của các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Chỉ một bộ phận có thể tự huy động bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Ngân hàng thì vẫn nguyên tắc, lãi suất vẫn quá cao, hai bên không gặp nhau và cứ giằng co như vậy. Đã có chủ trương hạ, nhưng lãi suất vẫn chưa giảm được. Nhiều doanh nghiệp đi vay thì cứ chờ”, chuyên gia này nói.

Những nút thắt dần được mở

Tại buổi tọa đàm trên, TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS) dự tính: “Nếu không hạ được lãi suất thì tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Đã có chủ trương, nhưng hạ bằng cách nào? Ông Thế Anh đưa ra một số quan điểm về giải pháp có thể gỡ nút thắt kéo dài thời gian qua.

Trước hết, chuyên gia này cho rằng hiện nay và thời gian tới cần hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp. Điều này trên thực tế cũng đã có những chuyển động mới, khi hai tháng gần đây lượng phát hành đã giảm mạnh chỉ khoảng 900 tỷ đồng, trong khi những tháng giữa năm lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thứ hai, nhà điều hành cần đảm bảo được nguyên tắc cân bằng tỷ giá và lãi suất trên thị trường tiền tệ; bởi nếu không đảm bảo được nguyên tắc này thì dòng vốn sẽ chảy từ thị trường này sang thị trường khác, gây bất ổn.

TS. Phạm Thế Anh dẫn ví dụ: Đầu năm, lãi suất giữa USD và VND có sự phi lý. Lãi suất USD cộng với kỳ vọng phá giá khoảng 7% - 8%/năm, trong khi lãi suất đi vay VND lên tới 15%/năm; vay USD quá lợi.

Còn ở một tương quan khác, lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất trên thị trường mở cũng có những bất hợp lý. Chênh lệch lãi suất cao dẫn đến nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng thương mại tăng lên, lượng vốn từ các ngân hàng bị hút vào trái phiếu và họ dùng chính trái phiếu để thế chấp trên thị trường mở lấy vốn lãi suất thấp hơn để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất.

Ở những dẫn chứng mà chuyên gia này đưa ra cho thấy phía sau những bất ổn là sự “luẩn quẩn” của các dòng vốn thay vì đến trực tiếp với các doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

“Vì vậy cần đảm bảo nguyên tắc cân bằng, không để tình trạng đầu cơ tiền tệ xẩy ra. Nguồn vốn ngân hàng theo đó tìm đến doanh nghiệp chứ không chạy từ thị trường này sang thị trường khác”, TS. Phạm Thế Anh nói.

Bên cạnh những bất cập trên, khó khăn trong yêu cầu hạ lãi suất thời gian qua còn được nhiều phân tích tập trung ở việc các nhà băng lo thực hiện những quy định mới trong Thông tư 13 và Quyết định 493.

Ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng trong Thông tư 13 theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng về nguồn vốn. Lộ trình hạ lãi suất dự kiến từ 15/10 tới như đề cập ở trên cũng được VNBA giải thích là để các thành viên có thời gian thích ứng với những quy định mới.

Và như thông tin ở trên, việc hạ lãi suất huy động từ phổ biến 11,2%/năm về 11%/năm là không lớn, lãi suất cho vay theo đó cũng khó để có sự điều chỉnh rõ rệt ngay. Tuy nhiên, ít nhất ở đây cho thấy một chuyển động mới sau ba tháng chờ đợi. Để rõ rệt hơn một phần lớn còn chờ những giải pháp từ các nhà điều hành.