19:28 11/10/2011

Gửi ngoại tệ có thể không được bảo hiểm

Nguyên Vũ

Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp khai mạc vào ngày 20/10 tới đây

Còn có ý kiến khác nhau về quy định loại tiền gửi được bảo hiểm.
Còn có ý kiến khác nhau về quy định loại tiền gửi được bảo hiểm.
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi chiều 11/10, các quy định về phạm vi áp dụng và loại tiền gửi đã nhận được sự đồng tình khá cao.

Dự thảo luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác được quy định tại luật. Như tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành…
 
Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - đã nhất trí với quy định này, với lý do nên thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng Đô la hoá.  

Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, không bảo hiểm tiền gửi cho ngoại tệ và kim loại quý khác, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến thảo luận nhất trí với loại ý kiến khác được nêu tại báo cáo thẩm tra là nên nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác (vàng, kim loại quý…) phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì trên thực tế, một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng thương mại không được bảo hiểm.  

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kiên trì quan điểm tại dự thảo luật. Vì, các nước có bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ bảo hiểm đồng tiền của họ. Và quan điểm của Chính phủ thời gian tới cũng chống đô la hóa rất quyết liệt.

Quan hệ gửi - vay ngoại tệ, theo ông Bình, phải khắc phục để tiến tới chuyển sang quan hệ mua - bán. Người dân, doanh nghiệp có ngoại tệ phải bán cho ngân hàng, khi có nhu cầu lại tới ngân hàng mua.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu khi trình ra Quốc hội cần lý giải rõ hơn vì sao không bảo hiểm ngoại tệ hay kim loại quý.

Một số vấn đề khác, trong đó có phạm vi áp dụng của luật cũng được tập trung thảo luận. Cơ quan thẩm tra đồng ý với quy định của dự thảo luật là chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân. Song cũng có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu giải thích.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với quan điểm này, vì các tổ chức còn có mục đích kinh doanh, mà kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro.

Với phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế nghiêng về phương án như dự thảo luật, không quy định một mức phí hay khung phí cố định mà giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Riêng với mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, nhiều ý kiến và cả cơ quan thẩm tra có quan điểm khác ban soạn thảo, khi đề xuất chọn mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi chứ  không đứng ra thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi như dự luật.

Sau khi tiếp tục chỉnh lý, dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.