20:52 02/07/2008

Gửi tiền, đừng quên thanh khoản

Đào Gia Hưng

Ngoài lãi suất, một bài toán quan tâm hơn của người gửi tiền là “sức khỏe” của các ngân hàng, thể hiện ở tính thanh khoản

Đây là lúc người gửi tiền phải có sự phân tích và nhận định của riêng mình về ngân hàng gửi tiền, không đơn thuần căn cứ vào một mức lãi suất quá cao nữa.
Đây là lúc người gửi tiền phải có sự phân tích và nhận định của riêng mình về ngân hàng gửi tiền, không đơn thuần căn cứ vào một mức lãi suất quá cao nữa.
Ngoài lãi suất, một bài toán quan tâm hơn của người gửi tiền là “sức khỏe” của các ngân hàng, thể hiện ở tính thanh khoản.

Động thái gần đây trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khi bỏ trần lãi suất huy động và ấn định trần lãi suất cho vay theo Bộ luật Dân sự đã phát đi những tín hiệu tốt, làm cho hầu hết giới ngân hàng và người dân, những người quan tâm đến lãi suất tiền gửi, cảm thấy “dễ thở” hơn.

Ngân hàng cảm thấy linh hoạt hơn khi có thể tự chủ quyết định lãi suất huy động của mình. Người dân cảm thấy thuận tiện hơn khi với số tiền nhàn rỗi trong tay, giờ đây, họ đã có thể so sánh giữa các ngân hàng với nhau, giữa các kỳ hạn của cùng một ngân hàng để tìm ra một lợi suất tốt nhất cho khoản tiền gửi của họ.

Có thể nói, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động và cho vay là hợp lý và cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Cân đối và cân đối

Tuy vậy, bên cạnh những bình luận về chính sách của Ngân hàng Nhà nước, có những nhận định rằng hệ thống quản trị rủi ro của chính các ngân hàng thương mại không tốt, dẫn đến bị động khi thanh khoản có vấn đề. Vậy sự “không tốt” ở đây là gì? Động thái gì đằng sau những lần tăng lãi suất huy động?

Có nhiều cách tiếp cận về khả năng thanh khoản của một ngân hàng, tuy nhiên chúng đều tập trung vào hai sự cân đối có tính quyết định: cân đối giữa nguồn huy động và cho vay, cân đối giữa kỳ hạn huy động và kỳ hạn cho vay.

Trong hoạt động kinh doanh, ngân hàng dựa vào hai nguồn vốn chủ yếu là nguồn vốn ổn định, bao gồm huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế, từ các tổ chức khác (thị trường 1) cộng với nguồn vốn chủ sở hữu (cả lợi nhuận để lại) và nguồn thứ hai là từ thị trường liên ngân hàng (thị trường 2).

Một ngân hàng điều hành thanh khoản tốt là một ngân hàng duy trì một tỷ lệ hợp lý giữa nguồn vốn ổn định và sử dụng để cho vay trên thị trường 1.

Theo chuẩn của những tổ chức uy tín thế giới như Moodys, Fitchrating, tùy thuộc vào dự trữ bắt buộc, duy trì tỷ lệ này ở mức 70-90% sẽ vừa đảm bảo tốt cho khả năng thanh khoản của một ngân hàng vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng đồng vốn. Đại bộ phận dân chúng hoàn toàn có thể kiểm tra dễ dàng tỷ lệ này trên các báo cáo tài chính kiểm toán được công bố công khai của các ngân hàng.

Trong điều kiện thị trường tài chính, ngân hàng diễn biến bình thường, lãi suất huy động là một tín hiệu hấp dẫn nhất với người gửi tiền. Tuy nhiên trước tình hình thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài lãi suất người gửi tiền cần phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố khác trước khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền.

An toàn thanh khoản

Và đến lúc này, an toàn thanh khoản lại là yếu tố trước tiên phải cân nhắc.

Trong điều kiện thị trường thuận lợi như năm 2007, nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tối đa hóa lợi nhuận đã trở thành mục tiêu số một. Huy động dễ dàng đã khiến các ngân hàng chỉ chú trọng đẩy mạnh cho vay và lơ là công tác quản trị thanh khoản.

Khi thị tình hình thị trường không còn thuận lợi, huy động gặp nhiều khó khăn, một số ngân hàng thậm chí không dừng lại ở việc tăng liên tục, bất hợp lý, lãi suất huy động thị trường 1 đã phải sử dụng cả nguồn vốn trên thị trường 2 để đáp ứng các cam kết cho vay của mình trên thị trường 1, đẩy tỷ lệ cho vay/huy động ổn định lên tới hơn 100%.

Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước thi hành chính sách thặt chặt tiền tệ, kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng có quản trị thanh khoản kém này gặp khó khăn nhiều hơn những ngân hàng có công tác quản trị thanh khoản tốt, duy trì tỷ lệ thích hợp về huy động và cho vay trên cả hai thị trường.

Để khắc phục khó khăn, tín hiệu dễ thấy nhất là tăng lãi suất huy động, để đưa tỷ lệ về mức an toàn cho phép. Điều này gây ra một cuộc chiến lãi suất huy động và đẩy mặt bằng chung của thị trường lên cao.

Tuy nhiên, sự khác nhau ở đây là chỉ một số ít các ngân hàng có tính thanh khoản tốt mới còn khả năng tiếp tục duy trì cho vay trong tầm kiểm soát. Đối với các ngân hàng này, việc tăng lãi suất huy động không phải là dấu hiệu khó khăn thanh khoản, mà đơn thuần là đảm bảo tính cạnh tranh tương đối ở mặt bằng thị trường và tiếp tục tạo nguồn cho vay với lãi suất tốt, làm tăng tính an toàn của tỷ lệ thanh khoản.

Do vậy, với những động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vừa rồi, tín hiệu phát đi từ các ngân hàng sẽ hoàn toàn khác nhau, nhất là về lãi suất huy động trong bối cảnh lãi suất đầu ra bị khống chế.

Giờ đây, bài toán cân đối giữa lợi nhuận, rủi ro đã được đặt ra rất rõ: ngân hàng không thể tăng lãi suất huy động lên quá cao, sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, và do đó, đến điểm hòa vốn.

Và, đây cũng là lúc người gửi tiền phải có sự phân tích và nhận định của riêng mình về ngân hàng gửi tiền, không đơn thuần căn cứ vào một mức lãi suất quá cao nữa.

* Tác giả bài viết là Phó giám đốc Quản trị rủi ro - Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.