16:11 24/09/2010

Hà Nội: 10/12 ngân hàng đã đảm bảo hệ số CAR yêu cầu

Kim Tuấn

10/12 ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội đã đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 13

“Cho đến thời điểm này, có thể nói phương án tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng cổ phần ở Hà Nội đều có tính khả thi và đảm bảo theo quy định của Nghị định 141”, bản tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết - Ảnh: Reuters.
“Cho đến thời điểm này, có thể nói phương án tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng cổ phần ở Hà Nội đều có tính khả thi và đảm bảo theo quy định của Nghị định 141”, bản tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết - Ảnh: Reuters.
10/12 ngân hàng thương mại cổ phần đã đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 13, 2 trường hợp còn lại đang cố gắng đảm bảo đúng hẹn.

Chiều 24/9, Trang tin điện tử Ngân hàng Nhà nước có bản tin cho biết các tổ chức tín dụng ở Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị thực hiện Thông tư 13 về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và Nghị định 141 về mức vốn pháp định.

Bản tin này cho biết, về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), đến nay trên địa bàn đã có 10/12 ngân hàng thương mại cổ phần đạt yêu cầu, 2 ngân hàng còn lại cho biết cũng sẽ cố gắng đủ tỷ lệ vào thời điểm 1/10/2010.

Theo quy định tại Thông tư 13, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại từ ngày 1/10 tới là 9% thay cho quy định 8% hiện nay. Thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến những nỗ lực của một số thành viên trong việc chuẩn bị đáp ứng yêu cầu này.

Tuy nhiên, theo một số thông tin phản ánh gần đây, không loại trừ khả năng có trường hợp đến “hẹn” 1/10 tới vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu mới.

Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), những thông tin dẫn ý kiến lãnh đạo ngân hàng này cho biết cần phải thực hiện tăng thêm 33% vốn để đáp ứng (hệ số CAR theo đó được nâng lên khoảng 10%, thay cho mức dưới 9% hiện nay). Tuy nhiên, phải đến ngày 9/11 tới Vietcombank mới tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua phương án tăng vốn này (theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước).

Cũng theo quy định tại Thông tư 13, với điều khoản “Kiểm tra, xử lý vi phạm”, tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư, tùy theo tính chất và hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính; bị hạn chế tín dụng, hạn chế mở rộng mạng lưới, nội dung hoạt động; bị đình chỉ có thời hạn hoặc không thời hạn một hoặc một số nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm; bị đề nghị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật…

Về việc thực hiện lộ trình tăng vốn pháp định, bản tin nói trên của Trang tin điện tử Ngân hàng Nhà nước cho biết, Hà Nội hiện có 117 tổ chức tín dụng là pháp nhân đầy đủ thuộc đối tượng thực hiện Nghị định 141. Hiện nay có 6/12 ngân hàng thương mại cổ phần đủ mức vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cổ phần trong diện phải bổ sung vốn điều lệ đến nay đều đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Đối với các công ty tài chính cổ phần, bản tin cho biết hiện chỉ còn 2/7 công ty chưa đủ mức vốn pháp định tối thiểu 500 tỷ đồng; tuy nhiên 2 công ty này đến nay cũng đã trình đầy đủ hồ sơ về phương án tăng vốn điều lệ và có khả năng đảm bảo đúng lộ trình theo qui định.

Bên cạnh đó, 98/98 quỹ tín dụng nhân dân đều đảm bảo đủ và vượt mức vốn pháp định 100 triệu đồng. Các tổ chức tín dụng Hà Nội chưa đủ mức vốn pháp định đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo mức theo theo Nghị định 141.

“Cho đến thời điểm này, có thể nói phương án tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng cổ phần ở Hà Nội đều có tính khả thi và đảm bảo theo quy định của Nghị định 141”, bản tin cho biết thêm.

Ngoài ra, theo bản tin trên, đối với các tổ chức tín dụng cổ phần ở Hà Nội có cổ đông là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trước khi góp vốn, mua cổ phần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ (theo công văn số 3780/VPCP-ĐMDN ngày 6/6/2008 của Văn phòng Chính phủ) đều đã có phương án xử lý trong trường hợp các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép góp vốn, mua cổ phần.