16:37 18/11/2013

HDBank đàm phán bán 30% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật

An Huy

Chủ tịch HDBank cho hay, việc bán cổ phần hiện hữu của HDBank trong năm tới sẽ có sự tham gia của hơn một nhà đầu tư mua

Giao dịch tại HDBank.<br>
Giao dịch tại HDBank.<br>
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) đang đàm phán về việc bán cổ phần 30% cho ba công ty tài chính của Nhật, theo hãng tin tài chính Bloomberg. Động thái này của HDBank diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam.

Bloomberg dẫn lời bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HDBank cho hay, việc bán cổ phần hiện hữu của HDBank trong năm tới sẽ có sự tham gia của hơn một khách mua. Bà Tâm từ chối tiết lộ danh tính của các công ty Nhật Bản mà HDBank đang đàm phán về thương vụ bán cổ phần này với lý do các cuộc đàm phán là bí mật. Bà Tâm cũng không đưa ra thông tin gì về giá trị của thương vụ.

Theo quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong một ngân hàng không được vượt quá 30%, trong đó mỗi nhà đầu tư ngoại không được nắm quá 20%.

Việc HDBank đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật diễn ra sau khi tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial của Nhật mua cổ phần trị giá 15,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 734 triệu USD, trong Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Việt Nam hiện đang nỗ lực đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vốn bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho là có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm ngoái là 7,7%. Chính phủ Việt Nam cũng đang có chủ trương muốn tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong ngành ngân hàng.

“Quan hệ đối tác với các ngân hàng Nhật cho phép chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh với các công ty Nhật, và giúp chúng tôi cải thiện vấn đề quản trị doanh nghiệp”, bà Tâm nói. “Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với vốn đầu tư và hỗ trợ phát triển chính thức tăng đều đặn”.

Theo ước tính của Bloomberg, cổ phần 30% trong tổng số 810 triệu cổ phiếu đang lưu hành của HDBank có thể có trị giá khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng sau kế hoạch mua lại ngân hàng DaiABank.

Còn theo ông Hoàng Thạch Lân, giám đốc môi giới của Công ty Chứng khoán MHB, cổ phiếu của HDBank trên sàn OTC hiện có giá khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, theo bà Tâm, HDBank dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn Tp.HCM sau khi lựa chọn được một đối tác nước ngoài.

Bà Tâm cũng cho biết, HDBank đang trong quá trình mua lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank), nhằm nâng tổng giá trị tài sản lên mức 93 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1 năm sau từ mức 61 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 10 năm nay. Theo bà Tâm, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu mới, với tỷ lệ 1 cổ phiếu HDBank mới cho 1 cổ phiếu hiện hữu của DaiABank.

Bloomberg ước tính, giá trị thương vụ này vào khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng dựa trên mức giá hiện tại 7.000 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu HDBank và số cổ phiếu đang lưu hành 310 triệu cổ phiếu của DaiABank. Bà Tâm cho hay, HDBank dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhà nước thông qua vụ mua lại này trong tháng 11.

Về phần mình, Chủ tịch DaiABank, ông Chu Việt Cường, nói hôm 15/11 rằng, DaiABank dự kiến thỏa thuận sẽ được hoàn tất trong một vài tuần tới.

Theo bà Tâm, tỷ lệ nợ xấu của DaiABank tính đến cuối tháng 9 là 4,4%, so với mức 3% của HDBank. DaiABank không nằm trong danh sách các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tái cơ cấu, bà Tâm cho biết.

Ngoài Mitsubishi UFJ, hai ngân hàng “khủng” khác của Nhật Bản cũng đã đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây. Hồi năm 2007, Sumimoto Mitsui Financial mua cổ phần 15% trong Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 225 triệu USD. Năm 2011, Mizuho Financial tuyên bố mua cổ phần 15% trong Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với giá khoảng 560 triệu USD.

Hiện ba ngân hàng Nhật nói trên chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về việc liệu họ có phải là những nhà đầu tư đang đàm phán với HDBank hay không.

“Các công ty Nhật đang đổ tới mọi nơi ở Đông Nam Á khi mà họ rút lui mạnh khỏi thị trường Trung Quốc. Các ngân hàng Nhật đã đầu tư mạnh vào Việt Nam đến nay đều trả mức giá cao hơn giá thị trường”, ông John Sheehan, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ vay vốn và thu hồi nợ Capital Services Group ở Đông Nam Á, nhận định. Tuy nhiên, theo ông Sheehan, có thể sẽ tốt hơn nếu các ngân hàng Nhật tự mở chi nhánh ở Việt Nam thay vì mua cổ phần trong các ngân hàng địa phương.

Bà Tâm cho hay, HDBank có kế hoạch bán một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMA), nhưng chưa quyết định được sẽ bán bao nhiêu. Hồi tháng 5, Chính phủ tuyên bố, những Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên phải bán nợ xấu cho VAMA.