18:19 07/09/2010

Hệ số CAR theo chuẩn Basel mới sẽ lên 16%?

Hoàng Vũ

Hệ số an toàn vốn (CAR) theo dự thảo mới của Ủy ban Basel có thể sẽ được nâng lên 16% thay vì mức 8% như hiện nay

Một số lãnh đạo ngân hàng lớn trên thế giới cho rằng quy định mới có thể buộc các ngân hàng hạn chế cho vay, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tốc độ phục hồi kinh tế.
Một số lãnh đạo ngân hàng lớn trên thế giới cho rằng quy định mới có thể buộc các ngân hàng hạn chế cho vay, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tốc độ phục hồi kinh tế.
Hệ số an toàn vốn (CAR) theo dự thảo mới của Ủy ban Basel có thể sẽ được nâng lên 16% thay vì mức 8% như hiện nay.

Ngày 6/9, hãng tin Reuters cho biết, tờ báo Die Zeit của Đức đã tiết lộ bản dự thảo của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thuộc ngân hàng thanh toán quốc tế, trong đó đưa ra quy định về hệ số an toàn vốn (Capital adequacy ratio - CAR) sẽ phải nâng từ 8% hiện nay lên 16%.

Chuẩn ngân hàng mới có tên là Basel 3, có thể sẽ gây chấn động cho nhiều ngân hàng, mặc dù việc nâng hệ số đủ vốn đã được dự báo từ trước.

Điểm được tờ Die Zeit nhấn mạnh là khả năng hệ số vốn cấp 1 sẽ được nâng từ 4% hiện nay lên đến 9%; trong đó bao gồm 3% được gọi là vùng đệm “conservation buffer”.

Vào các thời điểm nóng, các ngân hàng sẽ phải bổ sung thêm 3% vốn cấp 1 cho một khoản gọi là vùng đệm chống rủi ro chu kỳ “anti-cyclical buffer”. Khi đó, tỷ lệ vốn cấp 1 có thể tăng đến 12% so với 4% hiện nay. Nếu tính cả vốn cấp 2, hệ số CAR theo đó sẽ tăng lên đến 16% so với 8% hiện nay.

Bản tin trên cũng cho biết, thứ Ba tuần này, đại diện các ngân hàng trung ương và các nhà quản lý ngân hàng trên thế giới bắt đầu họp để kết luận về chuẩn Basel 3. Và dự kiến chuẩn mới sẽ áp dụng toàn cầu từ năm 2013.

Rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chuẩn Basel 3 sẽ nghiêm ngặt hơn trước về mức vốn và khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Hiện các nhà làm chính sách và các ngân hàng vẫn chưa thống nhất về đánh giá tác động của chuẩn mới đối với nền kinh tế. Hai đại diện của Đức trong Ủy ban Basel là Cơ quan giám sát tài chính và Ngân hàng Trung ương không có bình luận về dự thảo nói trên.

Trước đó, trong một bài viết giới thiệu gần đây, TS. Hoàng Thế Thỏa (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho biết, theo dự kiến, Ủy ban Basel sẽ trình bày các quy định mới về vốn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào tháng 11 tại Seoul, nhưng còn bất đồng về định nghĩa vốn và một số lý do khác nên phải hoãn lại vào giữa năm 2011.

Theo quy định Basel 2 hiện hành, các ngân hàng cần duy trì mức vốn tối thiểu 8% so với tổng tài sản rủi ro. Trong đó, vốn cấp 1 phải chiếm 50% và vốn cấp 2 phải là cổ phần thường.

Theo thông tin từ bài viết của TS. Hoàng Thế Thỏa, Basel 3 dự kiến sẽ đưa ra những quy định khắt khe hơn về vốn và thanh khoản, buộc các ngân hàng chấp nhận rủi ro ít hơn và trang bị vốn tốt hơn.

Cụ thể là, Ủy ban có thể đề nghị tăng gấp 3 lần cổ phần thông thường (vốn cấp 2) và tăng gấp đôi vốn cấp 1. Quy chế mới có thể thắt chặt kiểm soát rủi ro, xác định lại những tài khoản vốn và tăng chi phí nắm giữ các công cụ tài chính phái sinh do suy thoái kinh tế có thể gây rủi ro cho những ngân hàng mua nhiều tài sản phái sinh.

Một số lãnh đạo ngân hàng lớn trên thế giới, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Deutsche Bank AG, Josef Ackermann và Chủ tịch Tập đoàn HSBC Stephen Green cho rằng, quy định mới có thể buộc các ngân hàng hạn chế cho vay, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tốc độ phục hồi kinh tế.

Theo kết quả nghiên cứu tháng 6 của Viện Tài chính Quốc tế, quy chế này có thể làm giảm 3,1% GDP cho đến năm 2015 tại Mỹ, khu vực sử dụng Euro và Nhật Bản, số lượng việc làm trong 5 năm tới sẽ giảm khoảng 9,7% so với dự kiến.

Do các ngân hàng châu Âu đang gặp khó khăn trong việc khắc phục khủng hoảng nợ quốc gia, nên các nước thành viên của Ủy ban Basel đề nghị giảm nhẹ các tiêu chuẩn vốn do Ủy ban đề xuất và cho phép các ngân hàng có thêm thời gian để thực hiện, tránh tác động xấu đến nền kinh tế.

Vấn đề tranh cãi là liệu có loại trừ khỏi vốn phần vốn góp thứ cấp (vốn góp tại các tổ chức tài chính khác), thuế tài sản hoãn lại, sử dụng các khoản thua lỗ trong quá khứ để bù đắp nghĩa vụ thuế trong những năm tới. Lý do là quy định mới có thể ngăn cản các ngân hàng coi những tài sản này là một bộ phận của vốn lõi.

Quy định mới về thanh khoản cũng bị các ngân hàng phản đối, nhất là quy dịnh dài hạn, do lo ngại là sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm. Theo quy định đề xuất, tổng tỷ trọng thanh khoản cần được thiết lập sao cho ngân hàng chuẩn bị đủ lượng tiền mặt và những tài sản dễ chuyển thành tiền khác như trái phiếu kho bạc, để thanh toán các khoản nợ trước một tháng, duy trì tỷ trọng quĩ bình ổn trong thời hạn một năm đối với những tài sản khác như tín dụng ngắn hạn và cổ phiếu.

Tại Hội thảo kết thúc vào ngày 26/7, Ủy ban Giám sát ngân hàng đã thu hẹp sự khác biệt về quan điểm xung quanh quy chế mới về vốn, quyết định giảm nhẹ một số quy định về vốn và thanh khoản trong khi đưa ra những giới hạn mới liên quan đến lượng vốn mà các ngân hàng cần vay nhằm kiềm chế rủi ro. Các thành viên Ủy ban đã nhất trí cho phép một số tài sản, kể cả vốn góp trong những công ty tài chính khác, được tính vào vốn. Theo đó, các ngân hàng có thể tính phần vốn góp tại công ty tài chính khác trong mối liên hệ với rủi ro mà vốn phải trang trải tại chủ thể mà ngân hàng đã đầu tư, thuế tài sản hoãn lại và thu nhập từ dịch vụ cầm cố có thể được đưa vào vốn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, tổng 3 loại này không vượt quá 15% cổ phần thông thường của ngân hàng.

Trong khi các tỷ lệ vốn cho phép các ngân hàng ấn định tỷ trọng tài sản dựa trên rủi ro, tỷ lệ đòn bẩy sẽ nhằm vào những tài sản chưa đánh giá rủi ro. Ban đầu, Ủy ban ấn định là 3% - nghĩa là tổng tài sản ngân hàng không vượt quá 33 lần vốn cấp 1, kể cả những chứng khoán có thể giúp ngân hàng trang trải các khoản lỗ đột xuất. Theo dự kiến, tỷ lệ đòn bẩy áp dụng đối với các ngân hàng toàn cầu có thể được áp dụng trước năm 2018.

Ủy ban cho rằng, một số đề xuất có thể không được hoàn tất vào cuối năm nay theo hạn chót do G20 đưa ra vì phải nghiên cứu thêm các yêu cầu về thanh khoản đối với tiền mặt và chứng khoán có khả năng chuyển sang tiền mặt mà các ngân hàng cần duy trì đối với nợ dài hạn và giảm nhẹ chu kỳ tác động. Theo đó, yêu cầu vốn tối thiểu có thể sẽ tăng lên trong thời kỳ tăng trưởng nhanh…

Ủy ban cũng có thể nới lỏng việc thực hiện những quy định khác bằng cách gia hạn thêm 2 năm để các nhà điều chỉnh quốc gia thảo luận kế hoạch và đảm bảo hiệu lực của các quy định mới do mỗi đề xuất đều cần có thời gian nhất định.

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài tới 10 năm nhằm giảm nhẹ lo lắng của một số nước thành viên mà nền kinh tế và ngân hàng của họ không có khả năng gánh vác yêu cầu vốn cao hơn cho tới khi phục hồi chắc chắn. Vì thế, lượng vốn mà các ngân hàng châu Âu phải tăng trong 2 năm tới sẽ không lớn như tính toán của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và quản lý ngân hàng cho rằng, các ngân hàng không thể tránh khỏi quy định khắt khe hơn về vốn và thanh khoản.

Như vậy, dự thảo cuối cùng của quy định Basel, các quy định mới về vốn, yêu cầu thanh khoản mới về lượng tiền mặt mà ngân hàng cần duy trì, quyết định về rủi ro đối tác, có thể chưa được thỏa thuận tại hội nghị G20 sắp tới tại Seoul.

(Tổng hợp từ Reuters và Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)