11:45 28/08/2009

Hơn 400 nhà băng Mỹ cận kề bờ vực đổ vỡ

Kiều Oanh

Số ngân hàng “có vấn đề” tại Mỹ đã lên tới 416 tính tới thời điểm cuối quý 2 vừa qua, cao nhất trong vòng 15 năm

 Bà Sheila Bair tại cuộc họp báo về kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong quý 2/2009 tại Washington (Mỹ) ngày 27/8/2009 - Ảnh: Reuters.
Bà Sheila Bair tại cuộc họp báo về kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong quý 2/2009 tại Washington (Mỹ) ngày 27/8/2009 - Ảnh: Reuters.
Số ngân hàng “có vấn đề” tại Mỹ đã lên tới 416 tính tới thời điểm cuối quý 2 vừa qua, cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Thống kê hàng quý này do Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố vào ngày 27/8.

Dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, số ngân hàng bị FDIC liệt vào “danh sách đen” những nhà băng có nguy cơ tan rã và số ngân hàng đã đổ vỡ thực sự liên tục tăng lên từ cuối năm 2007 tới nay. Cách đây 1 năm, số ngân hàng Mỹ đối mặt nguy cơ giải thể là 117 ngân hàng, còn ở thời điểm cuối quý 1 năm nay, con số này là 305.

Bà Chủ tịch Sheila Bair của FDIC cho biết, bà dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. “Chúng tôi cho rằng, số ngân hàng có vấn đề và số vụ đổ vỡ trong ngành ngân hàng sẽ tiếp tục leo thang thậm chí cả khi kinh tế Mỹ phục hồi”, bà Bair nhận định.

Ước tính của FDIC cho thấy, tổng giá trị tài sản mà 416 ngân hàng thuộc “danh sách đen” mới nhất quản lý là gần 300 tỷ USD, so với mức 220 tỷ USD tổng tài sản của 305 ngân hàng nằm trong danh sách trước đó. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, bình quân chỉ có khoảng 13% số ngân hàng bị FDIC đưa vào diện có nguy cơ đổ vỡ là có kết cục sụp đổ thực sự.

Theo quy định, tên của các ngân hàng nằm trong “danh sách đen” không bao giờ bị công bố nhằm tránh tình trạng người dân vì lo ngại mà tới rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng này, gây ra những tác động tiêu cực.

Từ đầu năm tới nay, có tổng số 81 ngân hàng Mỹ lâm nạn. Riêng trong quý 2, FDIC phải chi 2,6 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các nhà băng đổ vỡ, khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của cơ quan này chỉ còn có 10,4 tỷ USD.

Cũng theo FDIC, trong quý 2 vừa qua, ngành ngân hàng Mỹ thua lỗ 3,7 tỷ USD, chủ yếu do dự phòng nợ xấu gia tăng. Tính tới cuối quý 2, tỷ lệ nợ quá hạn trong ngành ngân hàng Mỹ đã lên tới 4,35%, cao nhất kể từ khi số liệu này được các nhà chức trách Mỹ theo dõi từ năm 1983 tới nay, so với mức 3,76% trong quý trước đó.

Tuy nhiên, bà Bair cho rằng, có thể tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng Mỹ đã đạt đỉnh cùng với sự cải thiện của các khoản vay bất động sản và số khoản vay trễ hạn trên 30 ngày đã giảm xuống. Mặc dù vậy, theo bà Bair, phải mất thêm 1 quý nữa để khẳng định xu hướng này có đang diễn ra hay không.

(Theo CNN)