23:02 30/05/2012

Họp “G14” để bàn về tín dụng?

Hồng Nhung

Dự kiến sáng 31/5 Ngân hàng Nhà nước sẽ họp nhóm với lãnh đạo 14 ngân hàng thương mại hàng đầu hệ thống

Thanh khoản hệ thống tốt, thậm chí có hiện tượng dư thừa vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn là vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Thanh khoản hệ thống tốt, thậm chí có hiện tượng dư thừa vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn là vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Dự kiến sáng 31/5 Ngân hàng Nhà nước sẽ họp nhóm với lãnh đạo 14 ngân hàng thương mại hàng đầu hệ thống.

Đây là cuộc họp mang tính định kỳ của nhà điều hành chính sách tiền tệ với 14 thành viên, hoặc có thể là họp đột xuất để chủ động và tạo sự đồng thuận thực thi chính sách trước các vấn đề nảy sinh trong hoạt động của hệ thống…

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước xác định các ngân hàng tham dự là 12 thành viên lớn nhất trong hệ thống, hay nhiều người vẫn quen gọi là “G12”. Gần đây, nhóm này có thêm sự góp mặt của hai thành viên mới là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).

Hiện nội dung dự kiến của cuộc họp sáng 31/5 chưa được công bố. Tuy nhiên, có thể dự đoán sẽ tập trung vào các vấn đề chính yếu hiện nay: định hướng điều hành lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay, thực tế cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng và phát triển tín dụng…

Trước thêm cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành đợt cắt giảm các lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ đầu năm. Trần lãi suất huy động VND theo đó được ấn định tối đa là 3%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng và 11%/năm từ 1 tháng trở lên. Lãi suất cho vay VND tối đa đối với 4 nhóm đối tượng, lĩnh vực theo đó xuống còn 13%/năm.

Trần lãi suất huy động liên tiếp giảm như vậy, song việc mở rộng tín dụng lãi suất thấp cho nhiều đối tượng vẫn là một vấn đề được đặt ra lúc này. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng âm kéo dài cũng là một bài toán có thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước và nhóm “G14” tập trung thảo luận và tính toán tháo gỡ.

Trong những thông tin đưa ra vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh khoản hệ thống đã được cải thiện tốt, thậm chí có hiện tượng dư thừa vốn khả dụng. Một phần phản ánh tình hình đó, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng liên tục sụt giảm, thậm chí trong tuần này ghi nhận cả mức thấp kỷ lục dưới 1%/năm.

Ở một nội dung khác, việc xem xét khả năng mở rộng đối tượng áp dụng trần lãi suất cho vay cũng đã được đề cập. Không loại trừ khả năng này cũng sẽ được thảo luận.

Và hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện một loạt dự thảo các văn bản với những nội dung quan trọng để điều chỉnh hoạt động của hệ thống, như về các tỷ lệ an toàn trong Thông tư 13, cơ chế phân loại nợ, giao dịch ngoại hối, các nghiệp vụ phái sinh… Và mới nhất là dự thảo về khung pháp lý bổ sung cho việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.