16:57 03/08/2011

Huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đều giảm

Minh Đức

Dữ liệu Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy cả số dư tiền gửi và tín dụng của hệ thống ngân hàng đều sụt giảm trong tháng 7

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 tiếp tục cho thấy sự phân bổ vốn của hệ thống ngân hàng theo chỉ tiêu đang có vấn đề.
Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 tiếp tục cho thấy sự phân bổ vốn của hệ thống ngân hàng theo chỉ tiêu đang có vấn đề.
Dữ liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy cả số dư tiền gửi và tín dụng của hệ thống ngân hàng đều sụt giảm trong tháng 7.

Báo cáo cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 20/7/2011 ước giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND tăng 0,51%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3,29%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 3,96%.

Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/7/2011 ước giảm 0,19% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,88%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1,96%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,57%.

Tổng phương tiện thanh toán đến 20/7/2011 ước tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cuối năm 2010; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 4,55% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 1,25%.

Như vậy, hoạt động ngân hàng trong tháng 7 vừa qua tiếp tục cho thấy xu hướng giảm mạnh của tiền gửi bằng ngoại tệ. Đây là kết quả của chính sách áp và hạ trần lãi suất huy động USD mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cũng như việc thực hiện kết hối đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bắt đầu có hiệu lực.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng giảm tiếp tục cho thấy sự phân bổ vốn của các ngân hàng đang có sự ách tắc. Lãi suất vay vốn quá cao là một rào cản; thêm vào đó, việc chạy đua rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất tại nhiều ngân hàng thương mại khiến hoạt động giải ngân cũng bị ảnh hưởng. Và phía sau kết quả này cho thấy sự phân bổ vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đang có vấn đề, khi qua 7 tháng mới chỉ đi được hơn 1/3 quãng đường mà chỉ tiêu cả năm đề ra (tăng trưởng tín dụng dưới 20%).

Riêng tổng phương tiện thanh toán, đây là tháng thứ hai liên tiếp cho thấy xu hướng tăng mạnh so với 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm, mức tăng mới chỉ là 3,57% trong khi chỉ tiêu dự kiến là từ 15% - 16%.