14:40 09/06/2011

IMF ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam

Vũ Ca

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 0,9 tỷ USD, lên mức 13,5 tỷ USD trong tháng 5/2011

IMF đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ rất đáng hoan nghênh trong việc ổn định thị trường ngoại hối.
IMF đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ rất đáng hoan nghênh trong việc ổn định thị trường ngoại hối.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được bổ sung thêm 0,9 tỷ USD, lên mức 13,5 tỷ USD trong tháng 5/2011.

Số liệu này được đại diện IMF đưa ra trong bài phát biểu tại hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, diễn ra ngày 8 - 9/6 tại Hà Tĩnh.

Bài phát biểu của IMF đánh giá rằng Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ rất đáng hoan nghênh trong việc ổn định thị trường ngoại hối. Sự kết hợp của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể nhằm ứng phó với giá hàng hóa sơ chế tăng, và một bước phá giá mạnh tiền đồng đã hỗ trợ nhiều hơn cho tiền đồng, cho dù có sự hỗ trợ của các biện pháp hành chính để hạn chế việc mua bán vàng và ngoại hối bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Tiền đồng hiện đang được kinh doanh thuận lợi trong phạm vi biên độ tỷ giá chính thức và áp lực lên giá đang diễn ra đủ để cho phép Ngânhàng Nhà nước bắt đầu bổ sung thêm dự trữ ngoại hối của mình, tăng 0,9 tỷ USD lên đến 13,5 tỷ USD trong tháng 5/2011.

Sự ổn định trong thị trường ngoại hối đã giúp giảm lợi tức rủi ro ngoài nước với chênh lệch lãi suất quốc gia của Việt Nam và chỉ số hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) thu hẹp bớt đi khoảng 100 điểm cơ bản từ đỉnh cao hơn 400 điểm cơ bản trong tháng 2/2011.

Dù vậy, IMF cho rằng những thách thức lớn vẫn còn đặt ra đối với Việt Nam. Lạm phát vẫn đang ở xu hướng tăng lên, đạt gần 20% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 5 và lạm phát cơ bản cũng đang tăng lên, và có khả năng tăng cao hơn nữa trước khi bắt đầu giảm vào cuối năm nay.

“Cơ bản hơn, lòng tin vào sự thành công của chiến lược của Chính phủ vẫn còn mong manh. Kỳ vọng lạm phát vẫn còn cao, và kỳ vọng về tiền đồng một lần nữa sẽ phải chịu áp lực vẫn còn ăn sâu trong bối cảnh không chắc chắn liệu Chính phủ có muốn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ gần đây, cam kết củng cố tài khóa, và vẫn còn những mối quan ngại hiện có về sức khỏe của khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn đòi hỏi lợi tức rủi ro cao khi đầu tư vào tài sản của Việt Nam”, bài phát biểu của đại diện IMF đưa ra nhận định.

Theo đó, ưu tiên ngắn hạn quan trọng nhất mà tổ chức này khuyến nghị là Việt Nam cần củng cố lòng tin vào chiến lược của Chính phủ để khôi phục lại ổn định kinh tế vĩ mô. Phần lớn gánh nặng chắc chắn sẽ rơi vào chính sách tiền tệ.

Cụ thể, thách thức trước mắt sẽ là phải xử lý được xu hướng tăng lên của lạm phát và ngăn không cho nuôi dưỡng một kỳ vọng lạm phát cao hơn và gây áp lực lên tiền đồng. Điều này đòi hỏi phải tăng thêm lãi suất chính sách và các biện pháp hành chính không thể là biện pháp thay thế cho việc tăng thêm lãi suất này.

Hơn nữa, theo IMF, Ngân hàng Nhà nước cũng phải thuyết phục thị trường rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ gần đây sẽ được duy trì cho đến khi kỳ vọng lạm phát vững trở lại một con số và dự trữ ngoại hối được củng cố ở mức cao hơn. Chỉ khi đó sẽ tạo được điều kiện cho việc giảm lãi suất lâu bền.

Và đối với điều này, Ngân hàng Nhà nước cần được hỗ trợ về mặt chính trị rất rõ ràng. Về vấn đề này, việc Chính phủ đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ tiếp tục cam kết thực hiện chiến lược nêu trong Nghị quyết 11 trong các năm sau năm 2011 sẽ rất quan trọng.

“Một cam kết chính trị về các mục tiêu rõ ràng trong trung hạn về lạm phát và dự trữ ngoại hối, củng cố bởi các mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, sẽ là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc nâng cao sự tín nhiệm đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”, IMF bình luận.

Bên cạnh đó, tổ chức này cũng khuyến nghị chính sách tài khóa trong thời gian tới cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn những nỗ lực của chính sách tiền tệ. Mặc dù Nghị quyết 11 đã bao gồm một số biện pháp để giảm thâm hụt tài khóa, nhưng vẫn còn có thể làm nhiều hơn.

“Chúng tôi ước tính nếu tiết kiệm phần lớn các khoản vượt thu dự kiến thì thâm hụt ngân sách có thể được giảm xuống còn khoảng 4% của GDP (theo định nghĩa quốc tế) trong năm 2011, con số này ít hơn một nửa mức thâm hụt của năm 2009”, IMF tính toán, cũng như gợi ý “sẽ hữu ích nếu Chính phủ có thể đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách trong trung hạn tham vọng hơn với việc giảm thâm hụt xuống khoảng 3% của GDP vào năm 2015”.

Điều đó theo IMF là có thể đạt được, nếu duy trì nỗ lực tăng nguồn thu phi dầu mỏ, và nếu những nỗ lực tái ưu tiên và sắp xếp các dự án đầu tư công đang được tiến hành. Một kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách rõ ràng trong ngắn hạn và trung hạn cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho chính sách tiền tệ.