09:18 10/06/2010

IMF: Việt Nam cần một chính sách tiền tệ ổn định

Anh Quân

IMF đánh giá về triển vọng ngắn hạn và những thách thức dài hạn của kinh tế Việt Nam

Theo tính toán của IMF, lạm phát năm nay sẽ tăng trên mức mục tiêu 8% của Chính phủ - Ảnh: Reuters.
Theo tính toán của IMF, lạm phát năm nay sẽ tăng trên mức mục tiêu 8% của Chính phủ - Ảnh: Reuters.
“Tính không chắc chắn gần đây về triển vọng ngắn hạn phần nhiều bắt nguồn từ tín hiệu lẫn lộn trong chỉ đạo chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong giai đoạn trước mắt”.

Đó là phát biểu của đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Benedict Bingham tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ, khai mạc ngày 9/6 tại Kiên Giang.

Cũng như các lần hội nghị trước, IMF được “phân vai” để nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, cũng như đưa ra thảo luận một số vấn đề được các nhà tài trợ quan tâm. Tại hội nghị lần này, bài phát biểu của ông Benedict tập trung vào triển vọng ngắn hạn của Việt Nam từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu, và những thách thức dài hạn để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.

Niềm tin còn yếu

Theo đại diện của IMF, những mất cân bằng kinh tế vĩ mô có khả năng tạo ra rủi ro đối với phục hồi kinh tế Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, việc Chính phủ nhanh chóng chuyển từ chính sách kích thích tăng trưởng sang ổn định vĩ mô đã khiến kinh tế ổn định hơn.

Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn với việc dừng chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đã kiềm chế tăng trưởng tín dụng, chính sách tài khóa cũng được thắt chặt hơn, thâm hụt thương mại đã được thu hẹp trong quý đầu năm 2010.

Tăng trưởng GDP được duy trì ở mức 5,83% trong quý đầu tiên. Trong khi đó, tốc độ tăng lạm phát cũng đã chậm lại trong thời gian gần đây, với CPI bình quân năm giảm xuống còn khoảng 9,0 % trong tháng 5, cho thấy sự ổn định hơn của kinh tế vĩ mô.

Niềm tin vào tiền đồng đã được củng cố nhờ những xu hướng thuận lợi này. VND đã lên giá trở lại và tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đã nằm trong biên độ của tỷ giá chính thức. Dự trữ ngoại hối, vốn đã từng chịu áp lực, tính đến thời điểm này của quý 2 đã tăng thêm khoảng 1 tỷ USD và bằng khoảng 7 tuần nhập khẩu, theo IMF.

Cũng theo vị đại diện IMF, nếu những điều kiện thuận lợi kể trên tiếp tục được duy trì, mục tiêu của Chính phủ trong năm 2010 sẽ nằm trong tầm tay. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP thực sẽ là 6,5% cùng với sự phục hồi của đầu tư tư nhân, tiêu dùng và tăng trưởng xuất khẩu ngoài dầu mỏ”, ông này dự báo.

Theo tính toán của IMF, lạm phát năm nay sẽ tăng trên mức mục tiêu 8% của Chính phủ. Với điều kiện giá thực phẩm và nhiên liệu ổn định, lạm phát có thể đạt mức cao nhất là khoảng 10% trong năm nay.

Trong khi đó, cán cân thanh toán trong năm 2010 sẽ cân bằng hơn. Xuất khẩu sẽ phục hồi cùng với triển vọng sáng sủa hơn của nền kinh tế toàn cầu. Thâm hụt cán cân vãng lai (trừ vàng) được dự báo sẽ thu hẹp xuống 9,9% GDP, từ mức 10,4% trong năm 2009, và sẽ được tài trợ phần lớn bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài và các luồng vốn chính thức.

“Triển vọng về các luồng vốn ngắn hạn không chắc chắn lắm, nhưng nếu niềm tin vào tiền đồng được duy trì thì áp lực lên mất giá tiền đồng trong năm 2009 cũng sẽ được giảm bớt, cho phép tăng dự trữ ở mức khiêm tốn trong năm 2010”, ông Benedict nói.

Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng các điều kiện thuận lợi hiện nay vẫn còn mong manh và niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn yếu. Vì vậy, rủi ro chính đối với triển vọng ngắn hạn là các chính sách nới lỏng quá sớm có thể sẽ dẫn đến những xáo trộn trong thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ liên ngân hàng vào cuối năm nay.

Cần xếp thứ tự ưu tiên với đầu tư công

Việc củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô vừa đạt được, theo IMF, đòi hỏi một chính sách tiền tệ ổn định và truyền thông rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước, rằng các điều kiện tiền tệ sẽ không được nới lỏng hơn nữa cho đến khi lạm phát đi vào quỹ đạo giảm, niềm tin vào tiền đồng được thiết lập vững chắc, và dự trữ ngoại hối tăng tới mức thuận lợi hơn.

“Chính sách tiền tệ cần tái liên kết các lãi suất để giảm độ dốc của đường cong lãi suất, cũng như lãi suất cần linh hoạt hơn vì nó sẽ mang lại sự ổn định cần thiết và tính có thể dự đoán được trong điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, ông Bennedict gợi ý.

Tương tự, chính sách tài khóa cũng cần hỗ trợ cho việc củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh diễn biến ngân sách năm 2010 còn chưa thật rõ, thâm hụt ngân sách tổng thể năm 2009 đã tương đối lớn, theo định nghĩa của IMF (bao gồm chi ngoài ngân sách, cho vay lại và hỗ trợ lãi suất kích cầu, nhưng không bao gồm các hoạt động của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển), tăng đến 9% GDP trong năm 2009.

IMF cũng đánh giá cao mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay của Việt Nam, xuống khoảng 6% GDP (theo định nghĩa của IMF là 7,6%), tuy nhiên, cơ quan này vẫn hoài nghi về kế hoạch giảm chi đầu tư phát triển 2010 khoảng 4% GDP.

“Trong môi trường toàn cầu hiện nay, sự không chắc chắn của vị thế tài khóa là không nên và chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cam kết bám sát kế hoạch chi ngân sách năm 2010 để bảo đảm chính sách tài khóa được bền vững”, ông Benedict nói.

Cũng theo IMF, việc bảo vệ hệ thống tài chính vẫn còn quan trọng đối với sự ổn định trong tương lai của nền kinh tế, trở thành một thách thức ngày càng lớn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong 5 năm qua, tín dụng khu vực tư nhân đã tăng gấp đôi, lên đến 120% của GDP và tăng thực 150%. Cho nên, việc nâng cấp các khuôn khổ giám sát và pháp lý lại càng thêm cấp thiết.

IMF cũng khuyến nghị nên ưu tiên phát triển các chỉ số về lành mạnh tài chính để xác định rủi ro và đưa lên chuẩn quốc tế các quy định về ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến việc xếp hạng và dự phòng rủi ro. Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao tiêu chuẩn an toàn vốn hơn nữa để đảm bảo ngân hàng có đủ vốn quản lý các rủi ro trên bảng cân đối tài sản.

Đối với các kiến trúc thể chế, IMF hy vọng Luật Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép cơ quan này có thẩm quyền hoạt động lớn hơn để thực hiện chính sách tiền tệ một cách hiệu quả và lường trước được, cũng như các cải cách để hiện đại hóa quản lý ngân sách nên được đưa vào Luật Ngân sách mới.

Liên quan đến tài trợ cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam, IMF cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thách thức cấp vốn cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mà vẫn đảm bảo tính bền vững của tài khóa. Theo IMF, để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần phải xếp thứ tự ưu tiên một cách có kỷ luật các dự án đầu tư công và đẩy mạnh thêm các nỗ lực đang được thực hiện để huy động nguồn thu ngân sách và nguồn hỗ trợ phát triển ưu đãi.

Ngoài ra, tái tăng cường chương trình cổ phần hoá để chuyển các nguồn lực nhà nước sang sử dụng có năng suất cao hơn, đồng thời việc khai thác các liên kết khu vực công và đối tác tư nhân (PPP) ở những nơi có thể giảm gánh nặng nợ công cũng có vai trò quan trọng.

“Kịch bản cơ sở của chúng tôi là nợ của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức bền vững, nhưng việc này phụ thuộc vào việc Việt Nam có giữ được mức tăng trưởng tương đối cao và giảm thâm hụt ngân sách của mình xuống mức thận trọng mà Việt Nam đã có trước khủng hoảng tài chính toàn cầu”, ông Benedict nói.