22:57 30/09/2012

Khi tín dụng tăng trưởng thấp là... lựa chọn

Minh Đức

Một góc nhìn về mức độ tăng trưởng tín dụng hiện nay đối với yêu cầu an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại

Một tính toán tương đối cho thấy tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7/2012 là khoảng 2,9 triệu tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cho vay ủy thác ngoại bảng); còn tổng nguồn vốn huy động cùng thời điểm ở khoảng 3,2 triệu tỷ đồng.
Một tính toán tương đối cho thấy tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7/2012 là khoảng 2,9 triệu tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cho vay ủy thác ngoại bảng); còn tổng nguồn vốn huy động cùng thời điểm ở khoảng 3,2 triệu tỷ đồng.
Trong môi trường rủi ro gia tăng, các chỉ số an toàn đang hạn chế thì thực tế tín dụng tăng trưởng thấp là phản ứng cần thiết của nhiều ngân hàng thương mại.

Hoảng hốt vì lệch pha?

Tuần qua, một số thông tin bình luận bày tỏ lo ngại khi có lệch pha quá lớn giữa huy động và cho vay tiếp tục thể hiện sau 9 tháng. Tốc độ huy động tăng trưởng gấp cả chục lần tốc độ tăng tín dụng, các ngân hàng như “thùng không đáy”, vốn huy động tăng mạnh mà chảy đi đâu, chảy vào “sân sau”…

Theo quan điểm của người viết, đó là góc nhìn sai lầm về cân đối vốn huy động và cho vay hiện nay. Thậm chí, diễn biến được cho là “lệch pha” đó lại rất cần cho hệ thống, bởi sau nhiều năm mới có được sự đảo ngược như vậy.

Cụ thể, dữ liệu thống kê cho thấy, suốt từ năm 2005 - 2011, tăng trưởng tín dụng liên tục bùng nổ và vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động. Nếu trạng thái này tiếp tục kéo dài, hệ thống càng bị dồn đẩy vào rủi ro mất cân đối vốn và kỳ hạn. Thực tế tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) những năm gần đây liên tục trên 100% đã cho thấy sự hạn hẹp còn lại của giới hạn.

Dĩ nhiên và theo đó, các tổ chức tín dụng có các điều chỉnh kỹ thuật để hãm và phải hãm trước khả năng rủi ro quá mức. Và trong năm 2012, với những gì đã diễn ra qua 9 tháng, sự đảo ngược và được cho là “lệch pha” đó là khác biệt cần thiết cho các cân đối an toàn.

Sẽ đúng hơn nếu nhìn vào các con số tuyệt đối trước khi xem các ngân hàng thương mại như “thùng không đáy”, cũng như xem vốn đã chạy đi đâu.

Trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, một tính toán tương đối cho thấy tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7/2012 là khoảng 2,9 triệu tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cho vay ủy thác ngoại bảng); còn tổng nguồn vốn huy động cùng thời điểm ở khoảng 3,2 triệu tỷ đồng.

Theo đó, cân đối đơn thuần giữa nguồn vốn huy động với cho vay còn khoảng 300 nghìn tỷ đồng (chưa trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc). Con số này là tấm đệm cần thiết, tránh tình trạng huy động được đồng nào xào đồng nấy, mà rủi ro đầu tiên là thanh khoản.

Tất nhiên, ngoài nguồn vốn huy động, về lý thuyết các tổ chức tín dụng còn có một nguồn đáng kể là dung sử dụng 50% vốn tự có để cho vay. Tính đến cuối tháng 7/2012, với tổng nguồn vốn tự có 416 nghìn tỷ đồng, quy mô để cho vay có thể thêm 200 nghìn tỷ đồng.

Vị chi, ước tính tương đối các nguồn trên thì còn một nguồn vốn khá lớn không được dùng để trực tiếp cho vay. Thực tế một tỷ trọng đáng kể trong đó được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, mà có thể xem là một hình thức “cho vay” an toàn, việc còn lại là Chính phủ giải ngân nguồn đó như thế nào.

Cứ cho là còn 500 nghìn tỷ đồng như vậy, song việc không tung hết để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao còn do các yêu cầu nội tại. Phân tích các yêu cầu này, tín dụng tăng trưởng thấp là hợp lý và cần thiết đối với họ (còn hợp lý và cần thiết hay không với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, với nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lại là vấn đề khác).

Tránh dồn ép các giới hạn

Sau sự bùng nổ của giai đoạn 2005 - 2010, sức cung vốn cho nền kinh tế của hệ thống đã bị kéo căng. Và năm 2012, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ tạo một điểm rơi, thấp nhất trong khoảng vài chục năm trở lại đây.

Sức cung vốn bị kéo căng thể hiện ở các chỉ số an toàn trong hoạt động của hệ thống, mà năm 2012 các tổ chức tín dụng phải tập trung gia cố và cải thiện. Để làm được điều đó, hạn chế tăng tín dụng là tất yếu.

Như từng đề cập ở bài viết gần đây, sau giai đoạn bùng nổ tín dụng, LDR của hệ thống đã bị đẩy cao và là một trong những nguyên do khiến khó khăn thanh khoản luôn thường trực. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy LDR của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2011 thuộc hàng cao trong khu vực, chỉ sau Hàn Quốc… Đây là một giới hạn khiến các nhà băng không thể tiếp tục thúc đẩy một tử số tín dụng gia tăng mạnh; và sự “lệch pha” nói trên đã giúp cải thiện mẫu số huy động. Cũng chính huy động tốt lên đã giúp cải thiện LDR và tín dụng đã nhúc nhắc tăng được vài tháng gần đây.

Ở một chỉ số khác, trước một môi trường bộc lộ nhiều rủi ro, các tổ chức tín dụng phải tăng cường khả năng chống đỡ. Việc tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cải thiện trong những tháng đầu năm 2012 cũng là nhờ tín dụng bị hạn chế.

Cuối năm 2011, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, CAR của hệ thống đạt mức 11,62%, cao hơn đáng kể so với mức 9% đặt ra trong Thông tư 13. Song, một số quan ngại được đặt ra ở tỷ lệ này nếu xu hướng vận động những năm trước tiếp tục thể hiện.

Đó là quy mô tăng trưởng tổng tài sản của các tổ chức tín dụng liên tục được đẩy cao những năm gần đây, trong khi tốc độ tăng vốn tự có khó có thể bắt nhịp. Nếu những năm 2005 - 2010, thị trường chứng khoán đã tạo nên cơ hội vàng để các nhà băng dồn dập tăng vốn, thặng dư lớn và hoạt động có lợi nhuận cao. Thì nay, có thể thấy các kế hoạch tăng vốn theo hướng huy động thêm gần như “đóng băng”; trong khi đó, nợ xấu gia tăng mạnh, lợi nhuận bị gọt đi và kìm hãm quy mô vốn tự có.

Thứ hai, tỷ lệ CAR của hệ thống hiện còn có những khác biệt nhất định so với các chuẩn mực trong Hiệp ước tiêu chuẩn vốn Basel II. Cụ thể, cách tính CAR mới chỉ xác định rủi ro tín dụng mà chưa tính đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Thế nên cuối năm 2011 mới có chuyện tổ chức chuyên môn đánh giá lại thực tế CAR của hệ thống và “hạ” xuống thấp hơn cả mức 9% trong tiêu chuẩn Thông tư 13… Hay ở một hướng khác, để tính đến cả những rủi ro đó thì CAR cần đạt 13% như khuyến nghị của Basel III.

Rõ ràng rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động là hai điểm nổi bật trong năm 2012. Cũng như ở nỗ lực hạ nhiệt tỷ lệ LDR, việc nhiều ngân hàng thương mại chủ động phòng thủ với một tỷ lệ CAR khá cao thời gian qua là cần thiết, để nâng khả năng chống đỡ khi môi trường kinh doanh xấu đi.

Dĩ nhiên đi cùng với đó là không thể tăng trưởng tín dụng bùng nổ như giai đoạn trước. Bản thân họ hẳn cũng muốn tín dụng tăng cao hơn nữa để có thể tạo thêm lợi nhuận. Nhưng nếu cố đẩy cao và gây áp lực hơn nữa đối với các giới hạn an toàn, hệ quả sẽ nguy hiểm hơn là “hệ lụy” tín dụng tăng trưởng thấp đối với nền kinh tế.