11:04 30/10/2009

Khó khăn nguồn vốn cuối năm

Nguyễn Hoài

Mặc dù lãi suất VND đang thực dương nhưng không phải vì thế mà việc huy động vốn dễ dàng

Dường như thành quy luật, nhu cầu vốn những tháng giáp Tết Nguyên đán thường bị đẩy cao hơn so với các thời điểm khác trong năm - Ảnh: Quang Liên.
Dường như thành quy luật, nhu cầu vốn những tháng giáp Tết Nguyên đán thường bị đẩy cao hơn so với các thời điểm khác trong năm - Ảnh: Quang Liên.
Mặc dù lãi suất VND đang thực dương nhưng không phải vì thế mà việc huy động vốn dễ dàng. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp: từ nay đến Tết Nguyên đán, các ngân hàng thương mại phải có biện pháp cân đối tài sản và kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Dường như thành quy luật, nhu cầu vốn những tháng giáp Tết Nguyên đán thường bị đẩy cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Điều này dễ nhìn thấy qua mặt bằng lãi suất huy động hiện nay và minh chứng từ những con số thống kê của cơ quan quản lý.

Cầu vốn kéo lãi suất

Tính đến ngày 27/10, với sản phẩm “Tiền gửi siêu lãi suất”, Western Bank thực sự gây sốc trên thị trường với mức: 1 tháng: 9,5%/năm; 2 tháng: 9,7%/năm; 3 tháng: 9,9%/năm; 12 tháng: 9,98% và từ 13 tháng đến 36 tháng ở mức 9,99%/năm.

Tiếp đó, kể từ 28/10, SHB cũng thực hiện biểu lãi suất mới với mức điều chỉnh tăng 0,25%/năm với các kỳ hạn 6 và 9 tháng của sản phẩm tiết kiệm bậc thang. Lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt cũng tăng tới 0,3 % với kỳ hạn 3 tháng. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể được hưởng với sản phẩm tiết kiệm bậc thang là 9,72% và 9,55% với sản phẩm tiết kiệm rút gốc linh hoạt.

Cùng đợt này, Maritime Bank cũng tung ra sản phẩm “lãi suất cao nhất”, trong đó kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh lên 9,55%/năm trong khi một sản phẩm liền kề “kỳ hạn duy nhất” 13 tháng được “chỉnh” ở mức 9,65%/năm. Một ngân hàng khác là KienlongBank cũng đưa ra mức lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ khá hấp dẫn: kỳ hạn 1 tháng: 8,94%/năm; 3 tháng: 9,48%/năm và 12 tháng: 9,78%/năm.

Không đứng ngoài cuộc, VietinBank cũng đưa ra biểu lãi suất áp dụng chung với dân cư và tổ chức ở mức không kỳ hạn là 3,6%/năm và có kỳ hạn là 9,2%/năm. Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của BIDV chỉ áp dụng ở mức 8,9%/năm nhưng lãi suất chứng chỉ tiền gửi đợt 4/2009 của ngân hàng này, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng (cá nhân), 50 triệu đồng (tổ chức) với kỳ hạn 4 - 7 - 13 tháng lên tới 9,3%/năm -10%/năm, cao hơn so với mức lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng.

Có một thực tế đáng quan tâm là mặc dù các ngân hàng thương mại tăng lãi suất từ nhiều tháng nay và so với chỉ số tăng CPI thì người gửi tiền đang được hưởng “thực dương” nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn bị giảm rất mạnh.

Trả lời báo giới, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: tốc độ tăng trưởng huy động vốn quý 2/2009 là 10,65% nhưng đến quý 3/2009, chỉ số này chỉ còn tăng 4,45%. Tính trung bình trong 6 tuần gần đây, huy động vốn chỉ tăng 1,6%; dự kiến, từ nay đến cuối năm chỉ tăng 2,7% và nếu trừ trích dự trữ bắt buộc cùng với dự trữ thanh toán thì nguồn vốn cung cấp cho tín dụng chỉ còn 2,1%.

Nỗi lo “bức tường” và “tính lỏng”

Ông Trần Hưng Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KienlongBank nhận xét, theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 11 dương lịch đến sát Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền mặt rất cao, số lượng vòng quay của chúng nhanh và nhiều hơn nên lượng tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng rất lớn và thực tế này chỉ chấm dứt vào thời điểm sát Tết.

Chia sẻ quan điểm này, bà Võ Thị Sánh, Giám đốc Ban Thông tin quản lý và hỗ trợ hội đồng quản lý tài sản Nợ - Có ngân hàng BIDV nêu vấn đề: mặc dù lãi suất đang cao nhưng việc thu hút tiền gửi khá khó khăn. Trong khi đó, với việc lãi suất cơ bản không thay đổi đã trở thành “bức tường” kìm hãm dòng vốn chảy vào ngân hàng.

Theo bà Sánh, vào thời điểm này, đặc điểm “tính lỏng” của nguồn vốn huy động rất cao. Có nghĩa, trong cơ cấu tiền gửi, tỷ lệ không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn luôn áp đảo kỳ hạn dài. Và như thế, các ngân hàng thương mại buộc phải dự trữ thanh toán lớn hơn nên thiếu chủ động nguồn vốn cho vay dài hạn cũng như dành vốn cho hoạt động kinh doanh khác và chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Ví dụ, nếu gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng thì ít nhất, ngân hàng sẽ sử dụng được số tiền đó trong thời hạn 3 tháng nhưng nếu một tỷ đồng kia gửi không kỳ hạn thì bất kể lúc nào, ngân hàng cũng phải dự trữ đủ một tỷ để phục vụ nhu cầu rút tiền của khách hàng. Tương tự như vậy với hàng nghìn món gửi, ngân hàng rất khó chủ động nguồn vốn để hoạt động kinh doanh và cho vay theo kỳ hạn khách hàng mong muốn. Như vậy, liệu thực tế này có ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các ngân hàng?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói: “Các ngân hàng thương mại phải lường trước khả năng huy động vốn khó khăn để có phương pháp quản lý tài sản, kiểm soát rủi ro tốt hơn”.

Theo ông Trần Hưng Thịnh, để đối phó với thực tế này, KienlongBank đã có sự chuẩn bị khá chu đáo từ trước. Bên cạnh lượng vốn huy động mỗi tuần khoảng 100 tỷ đồng thời điểm gần đây, tất cả những khoản nợ đến hạn vào thời điểm này đều được KienlongBank chuẩn bị thanh toán cho khách hàng.

Ngoài ra, KienlongBank cũng sở hữu một cơ số giấy tờ có giá cần thiết để sẵn sàng giao dịch trên thị trường mở. “Điều quan trọng là bất cứ thời điểm nào, trên bảng cân đối tài sản Nợ - Có của ngân hàng đều phải đảm bảo lành mạnh thì mới làm chủ khả năng kiểm soát rủi ro”, ông Thịnh nói.