06:23 17/11/2009

Kiến nghị nới quy định đầu tư, cho vay đầu tư chứng khoán

Minh Đức

Đại biểu Quốc hội kiến nghị nới quy định đầu tư, sở hữu, ngân hàng nước ngoài được cho vay đầu tư chứng khoán

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, việc nới quy định đầu tư, sở hữu và cho phép ngân hàng hàng nước ngoài cho vay đầu tư chứng khoán là nhằm tăng cường sự hỗ trợ giữa các ngân hàng, hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, việc nới quy định đầu tư, sở hữu và cho phép ngân hàng hàng nước ngoài cho vay đầu tư chứng khoán là nhằm tăng cường sự hỗ trợ giữa các ngân hàng, hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn - Ảnh: Việt Tuấn.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục cho phép ngân hàng thương mại được mua cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu của các thành phần tại các tổ chức tín dụng, cho phép ngân hàng nước ngoài được cho vay đầu tư chứng khoán.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Đa số các ý kiến đại biểu tham gia thảo luận chiều 16/11 đều tập trung kiến nghị về việc nâng tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tại các tổ chức tín dụng, cũng như việc nới quy định đầu tư của chính các ngân hàng thương mại.

“Tỷ lệ quy định là quá thấp”

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Tp.HCM), Điều 55 dự án Luật quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân là 5% và tổ chức là 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng là quá thấp so với một số nước trong khu vực. Ở một số nước, tỷ lệ đó là 20% đối với cá nhân và 30% đối với các tổ chức. Do đó quan điểm của đại biểu này là ủng hộ ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị quy định tỷ lệ trên lần lượt là 10% và 20%.

Đó cũng là quan điểm của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), khi cho rằng tỷ lệ sở hữu dự thảo đưa ra là quá thấp. “Theo tôi nghĩ chúng ta nên giữ ít nhất như quy định của Luật hiện hành là cổ đông là cá nhân tối đa không quá 10% và cổ đông là tổ chức thì tối đa không quá 20%. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, tôi đề nghị đối với cổ đông là tổ chức thì chúng ta cân nhắc là không quá 30%. Nếu như vậy chúng ta mới có thể huy động được vốn từ các tổ chức, các ngân hàng, có thể từ những ngân hàng hay tổ chức tín dụng của nước ngoài” bà Loan nói.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) lại đề cập đến yêu cầu đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Điều 55 của dự thảo Luật giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa 5% đối với cá nhân và 10% đối với tổ chức, nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài lại do Chính phủ quy định.

“Theo cam kết của WTO thì tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 30%. Theo tôi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần phải được quy định ngay trong luật, thể hiện sự công khai bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Nếu tại thời điểm này chưa quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tạm thời chưa sửa điều này và giữ nguyên theo quy định hiện hành”, bà Hảo kiến nghị.

“Không quản được thì cấm cho an toàn?”

Trước khi có phiên thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và các đối tượng thuộc diện điều chỉnh, bởi trong đó có một số quy định mới gắn với các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Đây cũng là những nội dung chính được đại biểu Hoàng Thị Hảo đưa ra phân tích và minh chứng cho sự hoài nghi của mình, rằng: “Một số quy định trong dự thảo Luật có vẻ mở rộng nhưng thực chất là thắt chặt một cách thái quá khiến nhiều người cảm tưởng những gì mà Ngân hàng Nhà nước không quản được thì cấm cho an toàn, gây nên sự bất ổn từ chính sách và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư”.

Dẫn chứng mà vị đại biểu trên đưa ra là sự thắt chặt quyền tự chủ đầu tư kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Khoản 6, Điều 103 dự thảo quy định: Ngân hàng thương mại không được mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác.

Bà Hảo phân tích: “Quy định như vậy là quá chặt chẽ, gây nhiều tranh cãi và ít sự đồng thuận trong tổ chức tín dụng. Việc ngân hàng thương mại cổ phần được mua của ngân hàng khác đã và đang được thực hiện, phát huy tính ưu việt của nó. Ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của tín dụng khác là sự hỗ trợ hữu ích cho nhau về chuyển giao công nghệ, về vốn, về kinh nghiệm quản lý điều hành, về liên kết mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường vốn, đáp ứng kịp thời với nhu cầu của thị trường”.

Cũng theo đại biểu này, một minh chứng cụ thể khác là từ khi ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của ngân hàng khác thì một loạt các ngân hàng nông thôn quy mô nhỏ được nâng lên thành ngân hàng đô thị với quy mô, chất lượng và hiệu quả tốt hơn, tạo đà cho sự hoàn thiện của hệ thống ngân hàng.

“Với yếu tố tích cực đó, tôi đề nghị Ủy ban Kinh tế vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, chỉ nên khống chế số lượng tổ chức tín dụng và số lượng cổ phần mà một ngân hàng thương mại được nắm giữ”, đại biểu Hảo kiến nghị.

Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Loan nhấn mạnh rằng quy định cấm ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phần của các tổ chức tín dụng khác là không phù hợp. Thay vào đó, đại biểu này kiến nghị phải xem lại và cho phép các ngân hàng, các tổ chức tín dụng được phép góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ nhau về vốn, về kinh nghiệm quản trị cũng như sức mạnh khác.

“Tuy nhiên cần quy định tỷ lệ tối đa được phép mua, đầu tư trên phần vốn chủ sở hữu của ngân hàng, của tổ chức tín dụng đó, và theo tôi có thể là không quá 15%”, bà Loan đề xuất.

Ở một nội dung khác (Khoản 7, Điều 126), đại biểu Hoàng Thị Hảo cho rằng không nên cấm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư chứng khoán. Lập luận mà bà đưa ra là Ngân hàng Nhà nước vẫn có các công cụ để kiểm soát và khống chế được; theo đó, chỉ nên quy định chặt chẽ hơn với điều kiện cho vay và giới hạn tỷ lệ vay phù hợp với giai đoạn thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn hiện nay.

Liên quan đến quy định trên, đại biểu Phạm Thị Loan cũng đồng tình, nhưng cho rằng nên cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay để đầu tư chứng khoán dài hạn. Theo bà Loan, cơ chế này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thị trường chứng khoán phát huy chức năng huy động vốn, đặc biệt là cho dài hạn.

“Còn vấn đề đầu tư ngắn hạn lướt sóng như hiện nay là việc sau này kích thích để cho thị trường chứng khoán phát triển. Nhưng nếu chúng ta tập trung nhiều quá đến thị trường chứng khoán theo kiểu ngắn hạn lướt sóng thì đó là thiên về đầu cơ. Cho nên tôi đề nghị chúng ta quan tâm đến đầu tư dài hạn nhiều hơn, đó cũng là một hình thức coi như đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.

Tôi đề nghị nên có những cơ chế, chính sách phù hợp để cho các chi nhánh cũng như ngân hàng nước ngoài tăng cường cho vay đầu tư chứng khoán dài hạn”, bà Loan kiến nghị.