09:00 31/03/2008

Lãi suất cho vay: Việt vị hàng loạt và cú giải cứu không thành

Nghệ Nhân

Việc luật hóa một cách quá cụ thể một vấn đề nhạy cảm như lãi suất là không hợp lý

Nếu lãi suất cho vay vẫn ở mức “vi phạm” như hiện nay, nếu một khách hàng đứng ra kiện một ngân hàng thương mại thì sẽ ra sao?
Nếu lãi suất cho vay vẫn ở mức “vi phạm” như hiện nay, nếu một khách hàng đứng ra kiện một ngân hàng thương mại thì sẽ ra sao?
Điều 476 - Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: lãi suất cho vay trên thị trường không được quá 150% lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố.

Lấy điều khoản này soi chiếu vào tình hình cho vay hiện nay, xem như một loạt ngân hàng đã “việt vị”. Đáng nói là, một nỗ lực giải cứu các ngân hàng khỏi những rắc rối xung quanh vấn đề này vừa được tiến hành nhưng không thành…

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định số 479 ngày 29/2, mức lãi suất bằng đồng Việt Nam (VND) áp dụng từ ngày 1/3/2008 là 8,75%/năm. Chiểu theo điều khoản nói trên, các ngân hàng không được cho vay với lãi suất cao hơn 8,75x150% = 13,125% xem như là đã “việt vị”.

Đây quả thực là một câu chuyện không mới. Ngay từ khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực, nhiều chuyên gia ngân hàng đã lên tiếng về tính “hành chính” khá nặng nề trong điều khoản trên. Tranh luận cũng diễn ra xung quanh việc diễn giải từ ngữ, theo đó “không quá 150%” có nghĩa là không quá 1,5 lần hay là không quá lãi suất cơ bản cộng thêm 1,5 lần, tức là 2,5%.

Năm ngoái, lãnh đạo một loạt ngân hàng đã lên tiếng về vấn đề này và đòi hỏi phải sửa đổi luật dân sự cho phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận vấn đề này và thậm chí đã đưa vấn đề sửa đổi điều 476 vào chương trình làm việc.

Thời gian gần đây, cơn sốt lãi suất lan rộng và lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã đồng loạt vượt qua trần 150% nói trên. Nhưng bởi vì đây là vấn đề của cả khối ngân hàng nên nó mặc nhiên được thừa nhận, cho dù ai cũng hiểu rằng đang “việt vị”.

Trên thực tế, ai cũng thừa nhận rằng việc luật hóa một cách quá cụ thể một vấn đề nhạy cảm như lãi suất là không hợp lý. Thay vi quy định như trên, điều 476 có thể quy định chung hơn là “lãi suất cho vay trên thị trường do ngân hàng nhà nước công bố hàng tháng” hoặc “không được quá 150% lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố nhưng trong từng thời điểm cụ thể Ngân hàng nhà nước được phép điều chỉnh cho phù hợp”.

Đáng nói là vào ngày 27/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm một cuộc giải cứu cho các ngân hàng thương mại khỏi những rắc rối xung quanh vấn đề này. Theo tờ trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng trần lãi suất vay từ 150% của lãi suất cơ bản lên 300% của lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay, tức lãi suất trần cao khoảng gấp 2 lần so với qui định hiện hành.

Theo tờ trình này, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận “lãi suất trần bằng 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là thấp, không phản ánh đúng thực tế quan hệ cung cầu của thị trường tín dụng, dẫn đến tình trạng các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc bị thua lỗ nếu tôn trọng luật định, hoặc phải tiến hành các hợp đồng cho vay không phù hợp luật định”.

Tờ trình cũng “cài cắm” một nội dung có lợi cho các ngân hàng thương mại về mặt pháp lý. Theo đó, điều chỉnh trên sẽ có hiệu lực từ 1/1/2009, “nhưng sẽ được áp dụng đối với các hợp đồng vay tài sản phát sinh từ 1/1/2006”. Đề xuất này đồng nghĩa với qui định không hồi tố, tức là miễn xét phạm tội đối với các hợp đồng vay mượn tài sản, tín dụng vượt quá mức lãi suất trần 150% như luật pháp hiện hành qui định, kể từ ngày 1/1/2006. Một điều kiện mà nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, các ngân hàng thương mại đang vi phạm rành rành nghiễm nhiên trở nên vô tội.

Tính toán này cao tay về mặt kỹ thuật, nhưng lại không thích hợp về mặt thời điểm. Giữa thời kỳ lãi suất tăng, lạm phát tăng, kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án trên, khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn ai hết, hiểu cần phải ưu tiên cho việc gì vào thời điểm này.

Nhưng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phủ quyết phương án trên cũng đưa tới những khả năng bỏ ngỏ cho vấn đề.

Thứ nhất, nếu lãi suất cho vay vẫn ở mức “vi phạm” như hiện nay, nếu một khách hàng đứng ra kiện một ngân hàng thương mại thì sẽ ra sao? Tòa án sẽ viện dẫn vào cái gì để giải quyết?

Thứ hai, nếu một ngày nào đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy cần phải sửa luật để “hợp thức hóa” chuyện này, sẽ phải sửa đồng thời cả luật hình sự. Điều 163 của Luật Hình sự quy định “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.”

Xem chừng, nếu chấp nhận cho áp dụng trần 300% từ 1/1/2006 như đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, một loạt tội nhân cho vay nặng lãi đã bị xử án trong hai năm qua cũng sẽ đâm đơn đòi hồi tố và bồi thường oan sai.