14:14 15/05/2008

Lãi suất huy động VND: Còn cửa, còn tăng

Minh Đức

Đã có thỏa thuận, nhưng vẫn còn cửa, lãi suất vẫn tăng. Cầu vốn của một số ngân hàng vẫn trong tình thế căng thẳng

Lãi suất vẫn là công cụ chủ yếu trong cạnh tranh huy động vốn.
Lãi suất vẫn là công cụ chủ yếu trong cạnh tranh huy động vốn.
Đã có thỏa thuận, nhưng vẫn còn cửa, lãi suất vẫn tăng. Cầu vốn của một số ngân hàng vẫn trong tình thế căng thẳng.

Kể từ ngày 29/4, lãi suất huy động VND của các ngân hàng đã tăng gần hết khả năng cho phép theo trần thỏa thuận giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tưởng chừng sau đợt điều chỉnh đó, cuộc đua lãi suất sẽ tạm lắng. Nhưng nay, một cuộc đua khác, có hạn chế tốc độ, đang có dấu hiệu bắt đầu.

Tiền rút nhanh, lãi suất vẫn cao

Đầu tuần này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trở thành tâm điểm chú ý của thị trường khi quyết định áp lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn lên đến 9%/năm. Đây là sự vượt trội so với mức 3% - 3,6%/năm thường thấy ở các ngân hàng khác đối với kỳ hạn này.

Ngày 14/5, SCB tiếp tục thu hút sự chú ý của người gửi tiền, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp, khi áp dụng cách tính lãi mới ở sản phẩm “Đầu tư qua đêm hưởng lãi suất cao” lên đến 11%/năm (theo các điều kiện đi kèm).

Cùng ngày, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tung ra một sản phẩm tương tự có tên “Tiết kiệm qua đêm 24h” với lãi suất lên tới 10%/năm.

Trong khi đó một số ngân hàng khác như Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng cùng lúc triển khai việc áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn ngắn từ 1 – 3 tuần, với lãi suất từ 10% - 10,5%/năm.

Ở cả hai loại trên, không kỳ hạn và kỳ hạn theo tuần, mức lãi suất mới đều vượt trội so với biểu áp dụng trước đó. Đặc biệt, với các sản phẩm của SCB và Eximbank, dự báo trong những ngày tới sẽ có thêm những ngân hàng đi theo hướng này để cạnh tranh.

Theo giải thích từ nhân viên tư vấn của SCB, việc tính lãi suất lên đến 11%/năm ở sản phẩm mới của ngân hàng này tạo một lợi ích mới và lớn đối với các doanh nghiệp, cụ thể là các khoản tiền gửi thanh toán. Để có được lợi ích này, khách hàng doanh nghiệp cần có số dư tối thiểu 100 triệu đồng tính đến hết ngày giao dịch (với cá nhân là từ 50 triệu đồng).

Trong các nguồn vốn huy động của ngân hàng, tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn được xếp vào một trong những loại “lỏng” nhất, có thể rút ra bất cứ thời điểm nào trong ngày giao dịch. Theo đó, việc áp dụng lãi suất cao cho nguồn tiền gửi này tạo sự chú ý của thị trường, bên cạnh việc khuyến khích các nguồn vốn ngắn hạn chảy về ngân hàng.

Tính thanh khoản đang hạn chế?

Phía sau việc áp dụng lãi suất cao cho nguồn vốn “lỏng” nói trên là câu hỏi về tính thanh khoản của ngân hàng hiện nay. Mức lãi suất đó không đơn thuần là để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, mà một phần cho thấy cầu vốn ngắn hạn của ngân hàng đang căng thẳng.

Sự căng thẳng đó cũng đã được đề cập đến trong cuộc họp nội bộ tuần qua giữa nhà quản lý thị trường và các thành viên. Sau cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp tiếp tục tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho các trường hợp khó khăn, thông qua cho vay tái cấp vốn với điều kiện ngân hàng không được dùng nguồn vốn hỗ trợ đó để mở rộng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiếp tục chào mua giấy tờ có giá với các kỳ hạn và lãi suất 11%/năm nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Xét lại, tốc độ huy động vốn đang chậm lại là đang một nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nguồn vốn và thanh khoản ở một số ngân hàng hiện nay. Tính chung cả hệ thống, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2008 ước chỉ tăng 1,2% so với tháng trước; trong đó, số dư tiền gửi VND ước tăng 1,05% và số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 1,73%. So với cuối năm 2007, tổng số dư tiền gửi ước tăng 5,39%, thấp hơn mức tăng 15,55% của cùng kỳ năm 2007.

Trong khi đó, so với cuối năm 2007, dư nợ cho vay nền kinh tế hiện ước tăng tới 14,73%, cao hơn mức tăng 9,79% của cùng kỳ năm 2007.

Và trước khó khăn nguồn vốn, lãi suất vẫn là một công cụ được sử dụng chủ yếu, bên cạnh tăng cường các hoạt động khuyến mại. Nhưng qua lần này, những ngân hàng nói trên đang tận dụng gần hết khả năng mà thỏa thuận trần lãi suất cho phép (chỉ còn khả năng tăng ở loại hình không kỳ hạn và kỳ hạn theo tuần).

Ngoài ra, với chính sách lãi suất mới này, ranh giới giữa các kỳ hạn tiền gửi cũng đang dần mờ nhạt, không còn phân biệt rách ròi theo các bước lãi suất thường thấy.