02:14 25/01/2010

Lãi suất vay vốn: Ghi từ một khế ước nhận nợ

Minh Đức

Lãi suất vay vốn là 19,4%/năm. Sau khi khách hàng đàm phán, khế ước mới chỉ còn 12%/năm, nhưng… cộng thêm phí 6%/năm

"Tôi cũng hiểu rõ cái khó của ngân hàng, nhưng việc đẩy lãi suất đi quá xa làm tăng áp lực trả nợ lên người vay rất nhiều”.
"Tôi cũng hiểu rõ cái khó của ngân hàng, nhưng việc đẩy lãi suất đi quá xa làm tăng áp lực trả nợ lên người vay rất nhiều”.
Lãi suất vay vốn là 19,4%/năm. Sau khi khách hàng đàm phán, khế ước mới chỉ còn 12%/năm, nhưng… cộng thêm phí 6%/năm.

Sau những thông tin phản ánh về việc thu phí trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, VnEconomy tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các cá nhân, đại diện doanh nghiệp.

Một số trường hợp sẵn sàng cung cấp các hồ sơ, khế ước liên quan chỉ để khẳng định một thực tế: có lãi suất vay vốn hơn 19%/năm, việc thu phí vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp, khi trao đổi trực tiếp với phóng viên, tâm lý chung là sự e ngại khi cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động tài chính của mình, cũng như e ngại có thể ảnh hưởng đến quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Lãi suất vay vốn: 19,4%/năm!

Liên tục những tuần gần đây, báo cáo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua thẻ tín dụng trong hệ thống ngân hàng thương mại phổ biến ở mức từ 15% - 17%/năm.

Tuy nhiên, khảo sát ngẫu nhiên một số trường hợp vay vốn tiêu dùng cho thấy, từ cuối năm 2009 có những trường hợp đã phải chịu lãi suất lên tới từ 18% - 19,4%/năm.

Xin đơn cử một trường hợp vay vốn với mục đích bổ sung vốn xây dựng, sửa chữa nhà tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Tp.HCM.

Khế ước nhận nợ của trường hợp này ngày 29/12/2009 cho lần giải ngân nối tiếp theo hợp đồng tín dụng ký ngày 21/11/2009 ghi rõ: trong hạn, lãi suất vay (năm) 19,4%/năm, lãi suất vay (ngày) 20%/năm/360 ngày; quá hạn là 150% lãi suất trong hạn.

Lãi suất vay được cố định trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bên vay nhận tiền vay. Lãi suất vay được điều chỉnh 3 tháng/lần theo công thức: Lãi suất vay (%/năm) = LS13 + 10,48%/năm + X.

LS13 là lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại lĩnh lãi cuối kỳ, cùng loại tiền cho vay, có kỳ hạn 13 tháng do ngân hàng công bố hoặc niêm yết tại thời điểm xác định lãi suất. Nếu kỳ điều chỉnh lãi suất vay rơi vào thời điểm này, theo công thức trên, người vay có thể phải chịu tới gần 21%/năm, bởi ngân hàng này đang áp lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ là 10,37%/năm.

“X” trong công thức trên được xác định căn cứ vào mức tăng hoặc giảm dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước theo nguyên tắc: tương ứng với mức tăng hoặc giảm mức dự trữ bắt buộc 1%, “X” sẽ tăng hoặc giảm là 0,144%/năm… Trường hợp “X” là một số dương và bên vay không đồng ý với mức lãi suất tăng sau khi điều chỉnh, bên vay có quyền trả trước hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc mà không bị phạt trả nợ trước hạn.

Ngoài ra, khế ước nhận nợ còn có các điều khoản liên quan đến quy định phạt đối với trả nợ trước hạn, các cam kết mà bên vay phải tuân thủ…

Giảm xuống 12%/năm, nhưng…

Ngày 19/1/2010, bên vay cho biết đã đến ngân hàng để ký lại khế ước nhận nợ. Sau khi đàm phán và nói chuyện “thẳng thắn” với ngân hàng, khế ước mới được lập lại với những thay đổi đáng chú ý.

Vẫn là khế ước ghi ngày 29/12/2009 theo hợp đồng tín dụng ngày 21/11/2009 như trên và cùng một khoản vốn giải ngân tiếp, trong hạn, lãi suất vay (năm) chỉ còn 12%/năm, lãi suất vay (ngày) cũng chỉ còn 12%/năm/360 ngày.

Kỳ điều chỉnh lãi suất vẫn là sau 3 tháng, nhưng công thức tính điều chỉnh cũng đã thay đổi hẳn: Lãi suất vay (năm) = LS13 + 5,28%/năm + X.

Như vậy, lãi suất vay vốn từ 19,4%/năm trước đó ghi trong khế ước mới được giảm xuống còn 12%/năm. Chi tiết này cho thấy lãi suất trong khế ước tuân thủ đúng quy định của pháp luật, theo Điều 476 Bộ luật Dân sự (lãi suất cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản); và giả sử có tranh chấp xẩy ra, ngân hàng không còn ở thế bất lợi như ghi mức 19,4%/năm trước đó, nếu xét theo Điều 476.

Thế nhưng việc giảm lãi suất xuống 12%/năm đó chưa hẳn là người vay đã thoát chi phí cao. Đó không phải là một khế ước nhận nợ độc lập và trọn vẹn cho người vay. Bởi đi cùng với điều chỉnh trên, ngân hàng đưa ra giấy đề nghị và cam kết chịu phí quản lý tài sản, mức phí là 6%/năm, tổng lãi suất gián tiếp cho khoản vốn đó vẫn lên tới 18%/năm.

Trong trường hợp này, khi cung cấp hồ sơ cho phóng viên, người vay nhấn mạnh mục đích chính của mình là để “phản ánh thực trạng cho vay hiện nay, cũng như việc thu phí là có tồn tại. Tôi cũng hiểu rõ cái khó của ngân hàng, nhưng việc đẩy lãi suất đi quá xa làm tăng áp lực trả nợ lên người vay rất nhiều”.

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra các ngân hàng thu phí cho vay, trả lời VnEconomy cuối tuần qua, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, cho biết đoàn công tác đã vào cuộc và hiện chưa có báo cáo kết quả cụ thể. Với những trường hợp vi phạm, ông Hạnh cho biết sẽ căn cứ theo quy định xử phát hành chính hiện hành để xử lý.