10:14 14/02/2008

Lãi suất VND căng như dây đàn

Minh Đức

Vốn khả dụng VND khó khăn, nhiều ngân hàng buộc phải hạn chế cho vay và đẩy lãi suất huy động tăng cao

Hiện lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng của hầu hết các ngân hàng đều đã lên mức 9,6%/năm; một số trường hợp vọt tới 10% - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng của hầu hết các ngân hàng đều đã lên mức 9,6%/năm; một số trường hợp vọt tới 10% - Ảnh: Việt Tuấn.
Vốn khả dụng VND khó khăn, nhiều ngân hàng buộc phải hạn chế cho vay và đẩy lãi suất huy động tăng cao.

Chỉ trong vòng một tháng qua, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt tăng lãi suất huy động VND. Đáng chú ý là thị trường cũng vừa chứng kiến một đợt sóng tương tự vào cuối năm 2007.

“Sốc” trên thị trường liên ngân hàng

Thị trường liên ngân hàng mở đầu năm 2008 với mức lãi suất VND qua đêm (over night) nhẹ nhàng 6,52%. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau đó, con số này đã tăng vọt gấp 4 lần, gây “sốc” đối với những ngân hàng cần vốn và có thể cả với nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Từ 6,52%, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng dần tăng theo cầu vốn của các ngân hàng thương mại khi năm hết, Tết đến, nhu cầu rút tiền trong dân cư và doanh nghiệp tăng cao. Đà tăng nhanh và mạnh đã thực sự gây “sốc” bởi kỷ lục trước đó (17% vào ngày 21/11/2007) đã bị đánh đổ.

Ngày 29/1/2008, lãi suất qua đêm chỉ ở mức 10,86%. Một ngày sau đó, sự đột biến xuất hiện khi các mốc 20%, 25% bị đánh đổ và đỉnh điểm có lúc lên tới 27% - chưa từng có trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.

Phía sau kỷ lục này, là áp lực khát vốn VND của một số ngân hàng thương mại; thậm chí trả lãi suất cao nhưng vay vốn cũng khó.

“Bịt” đầu ra

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy cao xuất phát từ những nguyên nhân, như Ngân hàng Nhà nước chủ trương thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát bằng việc tăng dự trữ bắt buộc, đồng loạt tăng các lãi suất chủ chốt; cầu VND tăng mạnh mùa cuối năm; vốn khả dụng của nhiều ngân hàng “buộc” phải giải ngân mạnh cuối năm 2007 để tăng tổng dư nợ kịp “hẹn” Chỉ thị 03, vốn VND để mua ngoại tệ…

Trước khó khăn về vốn VND, tính thanh khoản bị ảnh hưởng, một số ngân hàng thương mại buộc phải dùng đến biện pháp “bịt” đầu ra, chốt các nhu cầu vay vốn trước và sau Tết nguyên đán, đặc biệt là với nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản.

Cuối năm 2007, một loạt ngân hàng tung ra chương trình cho vay tín chấp tiêu dùng với hạn mức lên đến 200 – 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại một số thành viên đã tạm chốt hẳn cửa này và lượng hồ sơ vay vốn vẫn đang một dày thêm.

“Bịt” đầu ra là một biện pháp hạ sách, phía sau đó là quan hệ tín dụng với khách hàng, lợi nhuận và mục tiêu kinh doanh, bởi hiện 90% nguồn thu của nhiều ngân hàng vẫn đang phụ thuộc vào hoạt động huy động - cho vay. Nhưng đây là biện pháp bắt buộc và chỉ trong ngắn hạn.

Căng lãi suất

Những diễn biến trên có thể không nằm ngoài dự tính của nhà điều hành chính sách tiền tệ, vì đây là cao điểm cầu vốn thường thấy những năm gần đây. Tuy nhiên, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vẫn là chưa đủ.

Trước đó, tháng 11/2007, cầu VND đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vọt lên 17%. Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, bơm thêm hơn 10.000 tỷ đồng vào thị trường, lãi suất dần hạ về 8%.

Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục vào cuộc, hỗ trợ vốn cho thị trường, nhưng đồng thời cũng thực hiện các biện pháp hút tiền về đảm bảo tổng phương tiện thanh toán ổn định. Điểm đáng chú ý là gần đây, thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng phương tiện thanh toán vẫn chưa đến “trần” cho phép, vẫn còn khả năng cung VND ra thị trường.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, chấp nhận lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt ở khối cổ phần, đã đồng loạt “nới” lãi suất huy động VND, dù phía sau đó là bài toán chi phí, lợi nhuận và quan hệ với khách hàng vay vốn, lạm phát…

Hiện lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng của hầu hết các ngân hàng đều đã lên mức 9,6%/năm; một số trường hợp vọt tới 10%. Có ngân hàng buộc phải tăng lãi suất liên tiếp hai lần chỉ trong vòng một tháng. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với thông điệp kêu gọi bình ổn từ một số tổ chức mới đây, hay dự báo của Ngân hàng Nhà nước khi đồng loạt tăng các lãi suất chủ chốt.