14:21 29/03/2008

Lãi suất VND giảm: Có thực tế?

Minh Đức

Lãi suất huy động VND giảm có xuất phát từ thực tế hay từ “mệnh lệnh hành chính” của Ngân hàng Nhà nước?

Lãi suất huy động giảm tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Lãi suất huy động giảm tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Lãi suất huy động VND giảm có xuất phát từ thực tế hay từ “mệnh lệnh hành chính” của Ngân hàng Nhà nước?

Từ ngày 2/4 tới, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại (với 100% thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng thuận) sẽ đồng loạt rút về mốc 11%/năm các ký hạn trên 6 tháng; với kỳ hạn 6 tháng trần sẽ là 10,5%/năm.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng sẽ cơ cấu lại lãi suất theo các kỳ hạn tăng dần, thay cho biểu áp dụng đồng loạt 12% như trước đó.

Diễn biến thuận lợi này trước hết có từ các văn bản chỉ đạo (công văn, công điện) của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến định hướng của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Từ đây, vẫn có hoài nghi liệu lãi suất được rút về có xuất phát từ thực tế không?

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và của các ngân hàng thương mại đã có những chuyển biến tích cực; cung – cầu vốn cũng đã tương đối cân bằng và vốn khả dụng toàn hệ thống đã có dư thừa…

Trong tuần từ 24 - 28/3, theo báo cáo nhanh của các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng tiếp tục ổn định. Các mức lãi suất giao dịch có xu hướng giảm: lãi suất cho vay qua đêm ở mức 5-7%/năm, kỳ hạn 1 tuần 7 -7,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng 9,0-10,0%/năm; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao dịch qua đêm với lãi suất khoảng 3 - 4,5%/năm.

Lãi suất huy động, cho vay bằng VND của các ngân hàng tương đối ổn định so với tuần trước. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 10,13% đối với ngân hàng thương mại nhà nước, 11,78% đối với ngân hàng thương mại cổ phần. Lãi suất cho vay tại khối quốc doanh ngắn hạn khoảng 14,6%/năm, trung và dài hạn khoảng 13,5- 16,2%/năm; tại khối cổ phần lãi suất ngắn hạn khoảng 18,42%/năm, trung và dài hạn khoảng 21,85%/năm.

“Điểm lạ” là tuần qua, để ổn định thị trường Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào mua giấy tờ có giá 1 phiên/ngày với khối lượng 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 9%/năm nhằm hỗ trợ các ngân hàng nhưng do vốn khả dụng của các thành viên đã tăng lên, trong các phiên chào mua từ ngày 20 - 25/3 không có thành viên nào tham gia. Riêng phiên ngày 26/3, chỉ có duy nhất một ngân hàng quốc doanh tham gia và trúng thầu với khối lượng 925 tỷ đồng.

Vốn khả dụng tăng lên, tính thanh khoản được đảm bảo là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất huy động VND. Nhưng có một điểm cần lưu ý: Định hướng điều hành lãi suất thực dương (cao hơn lạm phát) hiện đang đứng trước nhiều thử thách.

“Giảm lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát”

Liên quan đến kế hoạch giảm lãi suất từ ngày 2/4 tới, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Techcombank đưa ra một số nhận định khá lạc quan.

Thưa ông, vì sao các ngân hàng lại giảm lãi suất vào thời điểm này?

Thời gian qua, do có một số biến động của thị trường vốn, các ngân hàng đã có những điều chỉnh về lãi suất huy động nhằm thu hút thêm nguồn vốn cho ngân hàng mình. Tuy nhiên, nhìn nhận từ phương diện thị trường cũng như thị trường vốn trong các năm vừa qua, lãi suất huy động đang được áp dụng ở mức cao, điều này có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng.

Thời gian qua là khoảng thời gian giúp các ngân hàng nhìn nhận lại mô hình quản trị cũng như hoạt động quản lý nguồn vốn tại mỗi tổ chức; điều này giúp ngân hàng chủ động hơn trong hoạt động, dẫn đến là việc các tổ chức có sự điều chỉnh nhằm tối ưu hóa nguồn vốn hoạt động.

Ông dự báo thế nào về tác động của đợt điều chỉnh giảm sắp tới?

Tôi cho rằng việc điều chỉnh giảm nói trên sẽ có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Khi nguồn vốn vay rẻ hơn thì các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cũng như gia tăng quy mô sản xuất.

Trong thời gian tới, tôi tin rằng với chính sách tiền tệ ngày càng được kiểm soát đang được Ngân hàng Nhà nước áp dụng, thì việc giảm lãi suất huy động sẽ không ảnh hưởng đến việc có thể gia tăng tỷ lệ lạm pháp.

Nhưng có thể giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như hoạt động của ngân hàng…?

Việc giảm lãi suất sẽ giúp cho ngân hàng ngày càng có nhiều cơ hội hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tốt. Mỗi ngân hàng sẽ phải tự tìm ra phương pháp nhằm thu hút thêm nguồn vốn gửi của người dân như tăng việc cung cấp các dịch vụ gia tăng, nhằm đảm bảo lợi ích của người dân khi gửi tiền vào ngân hàng.

Mỗi ngân hàng sẽ có cách đi riêng trong bối cảnh hiện tại. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ năm 2008 sẽ là năm thử thách đối với các ngân hàng trong việc duy trì các mục tiêu tăng trưởng như đã định. Nhưng năm nay cũng sẽ là năm giúp cho khách hàng nhìn nhận được sự khác biệt của các ngân hàng trong bối cảnh có nhiều các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.

Với Techcombank, mục tiêu xác định là sẽ trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu được khách hàng tin cậy tại Việt Nam, tập trung trên các lĩnh vực dịch vụ chuyên biệt và chính sách giá linh động.