15:21 17/12/2007

Làm giàu “vĩ mô” nhờ vốn "vi mô"

Nguyễn Hoài

Với món vay có khi chỉ vài trăm nghìn đồng, những “doanh nhân vi mô” có thể đã biến chúng thành doanh số 4-5 tỷ đồng mỗi năm

Mặc dù khái niệm tài chính vi mô xuất hiện khá lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, chúng khá mới mẻ và phát triển còn manh mún.
Mặc dù khái niệm tài chính vi mô xuất hiện khá lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, chúng khá mới mẻ và phát triển còn manh mún.
Với món vay có khi chvài trăm nghìn đồng, những “doanh nhân vi mô” có thđã biến chúng thành doanh số 4-5 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng làm sao để họ không là những đốm sáng nhỏ trong hàng triệu người nghèo muốn đổi đời lại là một câu chuyện dài về tài chính vi mô...

Nói đến doanh nhân, nhiều người nghĩ đó là tầng lớp giàu có, thành đạt, dễ tiếp cận với các khoản vay lớn từ các tổ chức tín dụng và có sức chi phối lớn đến thị trường trong lĩnh vực mà họ sản xuất kinh doanh. Nhưng với doanh nhân vi mô, lại không như thế.

Theo bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô và Phát triển M&D, doanh nhân vi mô là những người nghèo tại thời điểm vay vốn, đã tiếp cận có hiệu quả với dịch vụ tài chính quy mô nhỏ từ các nhóm chính thức, bán chính thức, phi chính thức để tự ổn định cuộc sống và khởi sự doanh nghiệp.

Gói gọn là thế nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với các doanh nhân vi mô, mới biết đằng sau chiếc áo “doanh nhân”, những người nghèo đã phải vật lộn với không ít khó khăn, bất hạnh để không chỉ thoát nghèo mà còn có “bát ăn, bát để”.

Tại lễ trao “Giải thưởng Doanh nhân vi mô Việt Nam lần thứ nhất”, anh Nguyễn Văn Long, quê ở xã miền biển Hải Bình huyện Tĩnh Gia Thanh Hóa cho biết, hơn 10 năm trước, gia đình anh không ruộng vườn, ngư cụ đánh bắt và bắt đầu mưu sinh với vỏn vẹn 300 nghìn đồng từ quỹ tín dụng nhân dân xã Hải Bình, hẳn không ai tin bây giờ anh là chủ nhân của một cơ sở dịch vụ chuyên cung cấp hải sản cho các đại lý cung ứng tới thị trường trong nước và sang cả Trung Quốc với doanh số 5 tỷ đồng mỗi năm, thu hút hơn 100 lao động.

Còn với cuộc đời chị Phan Thị Lượng (xã Tuân Chính, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lại là một câu chuyện dài về nỗi bất hạnh, đức hy sinh và dĩ nhiên là cả sự giàu có bây giờ. Khởi đầu với đồng vốn vay 10 triệu đồng từ quỹ tín dụng xã Tuân Chính, chị Lượng thành lập một trang trại nuôi trồng thủy sản. Sau 10 năm dù những lúc cuộc đời chị trải qua không biết bao nhiêu đau đớn: chồng chết, con chết, lũ quét đi hàng trăm triệu đồng. Nhưng 10 hecta trang trại của chị vẫn tồn tại, thu hút hàng nghìn lao động địa phương, doanh số hàng tỷ đồng mỗi năm.

Mặc dù khái niệm tài chính vi mô xuất hiện khá lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, chúng khá mới mẻ và phát triển còn manh mún. Ông Trương Ngọc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nói: “Tài chính vi mô là những chương trình, dự án; tổ nhóm tín dụng - tiết kiệm của các tổ chức chính trị xã hội với sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Chúng là một trong những công cụ hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo”.

Theo ông Anh, dịch vụ tài chính vi mô là sự tiếp cận những khoản tín dụng nhỏ tới các hộ nghèo có khát vọng đổi đời. Tiêu chuẩn để được hưởng lợi từ dịch vụ này là những người nghèo tại thời điểm vay vốn có thu nhập dưới 200 nghìn đồng/tháng ở nông thôn và dưới 260 nghìn đồng/tháng ở thành thị.

Một khác biệt nữa của dịch vụ tài chính vi mô so với hệ thống tín dụng khác còn ở chỗ: “tài sản đảm bảo” của người nghèo chỉ là... nghèo và vì thế, họ chỉ có niềm tin để “thế chấp” cho các tổ chức tài chính vi mô. Hiện tại, dịch vụ tài chính vi mô được cung cấp bởi 3 nhóm với với cả trăm tổ chức: Nhóm chính thức bao gồm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp; Nhóm bán chính thức: gồm các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và chương trình của các tổ chức xã hội; Nhóm phi chính thức là hoạt động cho vay tương hỗ cá nhân dưới hình thức họ, hụi, biêu, phường...

Mặc dù có nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô nhưng hiện tại, hoạt động này đang nổi lên một số bất cập. Thứ nhất, nhóm chính thức dù có bề dầy chuyên sâu về nghiệp vụ ngân hàng, nguồn lực tài chính mạnh mẽ và được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nhưng mạng lưới này cũng chỉ giúp được khoảng 50% số hộ nghèo tiếp cận tài chính vi mô.

Chưa kể, hoạt động của nhóm này không hiệu quả bằng nhóm bán chính thức. Ông Anh cho biết, lấy số liệu từ 60 xã vùng núi và khó khăn thì thấy, số hộ nghèo vay vốn từ khu vực bán chính thức chiếm 43% so với 30% từ Ngân hàng Nông nghiệp và 27% từ Ngân hàng Chính sách. Thậm chí, nhóm chính thức còn cạnh tranh không lành mạnh với nhóm phi chính thức.

Sở dĩ có tình trạng này là vì do nhóm chính thức đưa ra nhiều ưu đãi hơn và dễ dãi trong giải ngân cũng như xóa nợ mỗi khi hộ nghèo gặp thiên tai, bão lũ...Thứ hai, các tổ chức tài chính vi mô dường như vẫn còn thụ động và chưa chủ động trong việc vạch phương án sản xuất kinh doanh, giúp hộ nghèo kiểm soát đồng vốn cũng như khả năng sinh lời của chúng để có cơ sở giải ngân.

Thứ ba, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 165 với cam kết để ngành tài chính vi mô phát triển nhằm hỗ trợ người nghèo nhiều hơn, tốt hơn nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Thứ tư, hoạt động của nhóm bán chính thức còn manh mún, dàn trải, ít chương trình có định hướng lâu dài, trình độ quản trị không đồng đều...

Từ thực tế này, bà Tạ Dương Thương, (Tổ chức Tài chính vi mô CEP tại Tp.HCM) cho rằng, Việt Nam cần hướng tới một nền tài chính vi mô chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, đảm bảo các khung pháp lý hội nhập nhằm đảm bảo nền tài chính bền vững và phục vụ được nhiều người nghèo hơn thay vì tổ chức còn thiếu khoa học và có chiều hướng “phong trào” như hiện nay.