17:48 01/01/2011

Lạm phát 2010: Yếu tố tiền tệ không phải là chủ yếu?

Bảo Anh

Trong lạm phát 11,75% năm 2010, yếu tố tiền tệ đóng góp tới 4,65%, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu?

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.
Trong lạm phát 11,75% năm 2010, yếu tố tiền tệ đóng góp tới 4,65%, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu?

Câu hỏi trên được đặt ra khi Tổng cục Thống kê vừa có buổi họp báo tổng kết năm, trong đó đưa ra một dữ liệu đáng chú ý: Trong tỷ lệ lạm phát 11,75% năm 2010 của Việt Nam, yếu tố tiền tệ đóng góp tới 4,65% và các yếu tố khác góp 7,1%.

Theo dữ liệu trên, yếu tố tiền tệ đã có một “đóng góp” đáng kể trong sự gia tăng vượt chỉ tiêu (dù đã được điều chỉnh) của lạm phát năm 2010, đặc biệt là từ đầu quý 4. Tuy nhiên, trong những thông tin chính thống được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước, hay đánh giá của đầu mối chuyên trách tư vấn, đó lại không do hoặc không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Về vấn đề này, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 tổ chức chiều qua (31/12), VnEconomy đã trao đổi nhanh với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Có thể khẳng định lạm phát cao không phải do nguyên nhân tiền tệ không? Ông nói gì về tỷ lệ 4,65% mà Tổng cục Thống kê đưa ra?

Theo Thống đốc, nhận xét về yếu tố tiền tệ trong nguyên nhân lạm phát cao năm 2010 là kết luận đưa ra từ Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia.

Để chứng minh cho phát biểu này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã cho phóng viên xem đoạn kết luận trong “tài liệu mật” của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, trong đó có nội dung: “... yếu tố làm lạm phát tăng cao hoàn toàn không do sai lầm trong điều hành vĩ mô nói chung. Chính sách tiền tệ trong năm qua không phải là nhân tố làm cho lạm phát tăng cao...”.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, yếu tố tiền tệ thì năm nào cũng đóng góp vào việc tăng chỉ số CPI. Tuy nhiên, việc lạm phát tăng cao như năm nay không phải xuất phát từ việc điều hành chính sách tiền tệ.

“Cần phải hiểu lạm phát bình thường khác với lạm phát tăng cao, không nên hiểu chồng lấn lên nhau như vậy. Hội đồng tư vấn là các nhà khoa học nên đánh giá của họ là chính xác, khách quan”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.

Đánh giá trên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia được đưa ra trong cuộc họp ngày 24/12 vừa qua.

Cụ thể, tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã tập trung phân tích sâu về các nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc tỷ lệ lạm phát tăng khá cao trong cả năm 2010, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Đánh giá đưa ra là: đến quý 3/2010, về cơ bản, lạm phát được kiềm chế; nhưng sang quý 4/2010, lạm phát tăng cao ngoài khả năng dự đoán. “Nguyên nhân chủ yếu không phải do sai lầm của chính sách và điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ trong năm cũng không phải là nhân tố làm cho lạm phát tăng cao. Nguyên nhân chính là xuất phát từ những nhân tố khách quan như sự bất ổn kinh tế, giá cả thế giới và một số yếu tố chủ quan nội tại của nền kinh tế”, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước giới thiệu về nội dung tại cuộc họp cho biết.

Phân tích thêm từ Hội đồng, trong năm 2010, giá cả một số hàng hóa thiết yếu thế giới tiếp tục tăng cao (giá dầu thô và giá xăng - gas tăng, sắt thép, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng do kinh tế thế giới phục hồi, giá cả nguyên vật liệu tăng trên 10%), giá vàng biến động mạnh; Trung Quốc mất mùa nên đã thu hút hàng hóa của Việt Nam khá mạnh.

Trong nước, dịch bệnh trong nông nghiệp, bão lũ nặng nề ở miền Trung làm ảnh hưởng khá lớn đến cung cầu hàng hóa, giá lương thực thực phẩm tăng do việc chủ động đưa giá lên để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước và nông dân; tăng lương cơ bản, tăng chi phí giáo dục, y tế; do chi tiêu ngân sách và đầu tư công khá lớn những năm qua và cả năm 2010; kết hợp tỷ giá tăng, giá vàng tăng, yếu tố tâm lý kỳ vọng lạm phát trong dân dẫn đến tổng cầu tăng đột biến, làm giá tăng mạnh ở thời điểm quý 4/2010…