11:56 11/08/2008

Lập ngân hàng mới: Tiến thoái lưỡng nan…

Minh Đức

Rất nhiều tiền của cùng công sức chuẩn bị đang đứng trước câu hỏi: bao giờ hiện thực?

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động ngân hàng không thuận lợi, một số đề án đã chủ động tạm ngừng tiến độ và chờ đợi - Ảnh: Việt Tuấn.
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động ngân hàng không thuận lợi, một số đề án đã chủ động tạm ngừng tiến độ và chờ đợi - Ảnh: Việt Tuấn.
Rất nhiều tiền của cùng công sức chuẩn bị đang đứng trước câu hỏi: bao giờ hiện thực?

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tạm ngừng cấp phép ngân hàng mới. Quyết định này khiến các đề án đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Những dự án… chờ

Ngày 19/4/2007, Ban trù bị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kinh Bắc tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thành lập. Theo hồ sơ, ngân hàng này có vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn cổ đông sáng lập là 750 tỷ đồng, gồm Tổng công ty Cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông, Tổng công ty Công nghiệp ôtô, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam và Công ty Cổ phần May Ðức Giang.

Kế hoạch bước đầu được xác định Ngân hàng Kinh Bắc sẽ đặt trụ sở chính tại số 10 Nguyễn Ðăng Ðạo (thành phố Bắc Ninh), lên kế hoạch thiết lập sở giao dịch và chi nhánh tại Tp.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ ngay khi nhận giấy phép hoạt động.

Ngày 21/1/2008, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt cũng đã tiến hành đại hội lần đầu để khởi động kế hoạch chuẩn bị nhập cuộc (theo dự tính là trong quý 2/2008). Cuối tháng 3/2008, Ngân hàng Bảo Việt chính thức triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự, cũng như xúc tiến thiết lập hệ thống công nghệ ngân hàng (core banking).

Ngân hàng này có vốn điều lệ ban đầu 1.500 tỷ đồng, do Bảo Việt góp 40%, hai cổ đông sáng lập còn lại là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; trụ sở chính đặt tại số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Bảo Việt là một trong những đề án lập ngân hàng mới có sự chuẩn bị nhanh và toàn diện hơn cả. Đây cũng là đề án được đánh giá cao ở lợi thế về kinh nghiệm, quy mô và năng lực tài chính của Tập đoàn Bảo Việt, cũng như có sự tham gia của một ngân hàng thương mại đã hoạt động là SeABank.

Đề án thu hút sự chú ý hơn cả của giới đầu tư thời gian gần đây là Ngân hàng Hồng Việt (trước đó là Ngân hàng Dầu khí). Hồng Việt cũng đã có sự chuẩn bị dày công về nguồn vốn, nhân lực và cơ sở hạ tầng, nhưng hiện cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) đã chính thức xin rút lui.

Một đề án khác cũng đã lên tiếng khá sớm là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngôi sao Việt Nam (Vietstarbank); có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với 3 cổ đông chính là Techcombank, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo.

Tại đại hội lần đầu ngày 16/1, Vietstarbank đặt hy vọng chính thức hoạt động trong tháng 5/2008 và đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế ngay trong năm đầu tiên là 19 tỷ đồng; hai năm tiếp theo lần lượt dự kiến là 115 tỷ đồng và 257 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số đề án khác cũng đã được “thai nghén” là Ngân hàng Văn Phong, Việt Tín, Đông Dương Thương Tín, Ngoại thương Á châu…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả các mốc và kế hoạch dự kiến đều không thể hiện thực. Nếu tiếp tục theo đuổi dự án, các bên tham gia phải chờ đợi. Và khi quy chế thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được chỉnh sửa xong, các bên sẽ phải đối chiếu lại các điều kiện để có sự đáp ứng cần thiết. Quá trình đó sẽ tiếp tục ngốn thêm một khoảng thời gian nữa.

Tầm nhìn xa của chính sách

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động ngân hàng không thuận lợi, một số đề án đã chủ động tạm ngừng tiến độ và chờ đợi.

“Ở thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có cấp phép thì chúng tôi cũng cân nhắc không tiếp tục nữa”, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, một đầu mối tham gia lập ngân hàng mới, cho biết.

Với đề án trên, các chi phí và vướng mắc liên quan không lớn khi có sự chủ động ngừng tiến độ. Nhưng, một số đề án đã có sự chuẩn bị và đầu tư lớn trên thực tế để có thể hoạt động ngay khi có giấy phép hiện đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Về đề án Ngân hàng Bảo Việt, bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, từ chối đưa ra các bình luận liên quan. “Thời điểm này các thông tin đều cần có sự phát ngôn thống nhất từ các bên. Các công tác chuẩn bị và triển khai chúng tôi đều có văn bản và theo lộ trình cụ thể”, bà Lâm cho biết.

Ngân hàng Bảo Việt cũng là một trong những đề án đã có sự chủ động về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cũng như để duy trì sự chuẩn bị đó hiện là một khó khăn.

Tương tự, nếu đề án Ngân hàng Hồng Việt tiếp tục triển khai, trong thời gian qua và trước mắt vẫn phải tính đến nguồn chi phí để đảm bảo cho khoảng 100 cán bộ nhân viên đã tuyển dụng; đáng chú ý là trong số đó có những vị trí quan trọng mức lương không dưới 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, chi phí cho cơ sở hạ tầng, chi phí cố định cho đào tạo, đầu tư công nghệ… cũng đang “trói” một khoản vốn lớn, và chưa biết thời điểm nào mới chính thức phát huy giá trị.

Một số ước tính cho rằng, với những đề án đã sẵn sàng nhập cuộc, chi phí liên quan sẽ không dưới 30 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể trường hợp thời hạn chuẩn bị bị kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự thống nhất và quyết tâm của các cổ đông, nguồn nhân lực có thể khó bảo toàn, nhất là những tài năng đã lôi kéo được…

Ngược lại, việc huỷ hoặc ngừng dự án đồng nghĩa với việc phải bỏ phí nguồn vốn và công sức đầu tư trước đó.

Trong câu chuyện này, những khó khăn trên được xác định ở góc độ rủi ro mà các nhà đầu tư phải chấp nhận. Nhưng theo ý kiến của một chuyên gia tài chính độc lập khi trao đổi với VnEconomy, những rủi ro đó cũng có một phần đến từ nhà hoạch định chính sách.

Ông cho rằng các đề án đã mất ít nhất hai năm để chuẩn bị theo quy chế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dẫn đến phải tạm ngừng cấp phép hiện nay gây lãng phí nguồn vốn của xã hội và việc thay đổi đó khiến các bên tham gia không theo kịp; trong khi một trong những điểm cần cho các doanh nghiệp nói chung hoạt động hiện nay là sự ổn định của chính sách.

“Vấn đề đặt ra là nhà hoạch định chính sách phải có cái nhìn dài hạn, nhất là khi hoạch định các chính sách liên quan đến chiến lược phát triển ngành. Tôi cảm thấy việc tạm ngừng và điều chỉnh các tiêu chí cấp phép ngân hàng lần này giống như một giải pháp khắc phục những bước đi chưa hợp lý trước đó. Yêu cầu đặt ra là Ngân hàng Nhà nước nên sớm hoàn thiện các tiêu chí kỹ thuật một cách rõ ràng và sẵn sàng cấp phép trong trường hợp hồ sơ đáp ứng được yêu cầu”, chuyên gia này nói.