12:27 16/07/2010

Lợi nhuận ngân hàng nửa năm 2010 đang “lộ sáng”

Minh Đức

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2010 đang dần hé mở. Dù chưa rõ nét, nhưng đã có những kết quả đáng chú ý

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng năm nay họ chịu nhiều áp lực khi nói về lợi nhuận và thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận.
Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng năm nay họ chịu nhiều áp lực khi nói về lợi nhuận và thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2010 đang dần hé mở. Dù chưa rõ nét nhưng đã có những kết quả đáng chú ý.

Theo cập nhật của VnEconomy, đến thời điểm này đã có thể hình dung được lợi nhuận 6 tháng đầu năm của 5 ngân hàng thương mại. Chưa đủ để tạo nên bức tranh chung, nhưng đó là những thành viên có tính đại diện nhất định.

Căn theo kế hoạch năm

5 thành viên trên là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), Ngân hàng An Bình (ABBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Công bố sớm nhất, ABBank cho biết đã đạt 354 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 45% kế hoạch 2 quý đầu năm và hoàn thành 64% kế hoạch năm 2010. Và tính đến hết tháng 6/2010, tổng tài sản của ABBank ước đạt 31.743 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 88% kế hoạch năm nay.

Ngày 5/7, Maritime Bank cũng đã có thông báo: tính đến 30/6/2010, lợi nhuận hợp nhất trước dự phòng hơn 766 tỷ đồng, sau trích lập dự phòng là gần 660 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận từ tín dụng chiếm 25%. Và cũng tính đến thời điểm trên, tổng tài sản của Maritime Bank là 84.000 tỷ đồng, đạt hơn 91% kế hoạch năm.

Trả lời VnEconomy đầu tuần này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc OceanBank, cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt cao hơn 25% so với kế hoạch đề ra; lũy kế 6 tháng OceanBank đạt lợi nhuận 311 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 43.000 tỷ đồng.

Nếu giữ được tốc độ hiện nay, những thành viên trên nhiều khả năng sẽ nắm chắc khả năng hoàn thành kế hoạch năm. Thậm chí, lãnh đạo OceanBank dự tính 6 tháng cuối năm lợi nhuận sẽ bằng khoảng 150% so với 6 tháng cuối năm; hay lãnh đạo ABBank tin tưởng sẽ vượt chỉ tiêu Đại hội cổ đông đề ra…

Ở trường hợp của DongA Bank, thông tin cập nhật ngày 12/7 vừa qua cho thấy vẫn còn một quãng đường khá dài trước mắt của chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010. Ngân hàng này cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 298,788 tỷ đồng, thực hiện lũy kế so với kế hoạch năm nay mới đạt 27,16% (nhưng chưa bao gồm các công ty trực thuộc). Trong khi tổng tài sản tính đến 30/6/2010 đã đạt hơn 46.105 tỷ đồng, bằng 76,84% kế hoạch năm.

Chưa công bố, nhưng theo tính toán của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) trong bản tin phân tích đầu tư đầu tuần này, Eximbank cũng đã đạt khoảng 918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (số chưa có kiểm toán), tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 42% kế hoạch lợi nhuận năm 2010. Kết quả này đạt được dựa trên tăng trưởng cho vay 11% đạt 42.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 12% đạt 73.700 tỷ đồng và tổng tiền gửi tăng 15% đạt 54.000 tỷ đồng (tăng trưởng so với cuối năm trước).

Ngoài ra, dù chưa công bố, nhưng qua trao đổi với phóng viên hoặc thông tin cập nhất gần nhất cho thấy, một số thành viên như Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã vượt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm, đang nắm chắc khả năng hoàn thành chỉ tiêu cả năm.

Áp lực và kỳ vọng

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng năm nay họ chịu nhiều áp lực khi nói về lợi nhuận và thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank, so với năm trước, áp lực lợi nhuận đối với hoạt động ngân hàng năm nay là không nhỏ. Một phần là do chi phí đầu vào gia tăng, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm không nhiều và chỉ thực sự phát triển sau quý 2/2010.

“Do chênh lệch chi phí đầu vào và lãi suất đầu ra không lớn nên nguồn thu từ hoạt động tín dụng khó kỳ vọng cao. Ngoài ra chi phí hoạt động, chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho công nghệ và việc phát triển dịch vụ cũng đội lên”, ông Thanh nói.

Cùng nhận định trên, Phó tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Thị Mai Hương cũng cho rằng thị trường tiền tệ vẫn chưa thật ổn định và các yếu tố khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Bà Hương cho biết, huy động vốn của các ngân hàng tăng vẫn còn chậm và chủ yếu ở kỳ hạn ngắn; người gửi tiền vẫn giữ kỳ vọng lãi suất tiền gửi cao; các ngân hàng cạnh tranh gay gắt về lãi suất huy động vốn và khuyến mại cho tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó các ngân hàng đều phải tìm cách giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Những yếu tố này đã tạo áp lực và ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của các nhà băng.

Trong câu chuyện ngoài lề với phóng viên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cũng nói rằng, ngay từ đầu năm chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến đã xác định để đảm bảo tính khả thi; tuy nhiên, trước áp lực của cổ đông, chỉ tiêu cuối cùng phải đặt cao hơn mức dự kiến trước đó.

Cũng theo ông, tốc độ tăng vốn nhanh và mạnh trong khi lợi nhuận khó có tốc độ tương ứng là áp lực lớn nhất. Điều này phản ánh qua các chỉ số cơ bản, mà việc cải thiện không dễ nỗ lực chỉ trong thời gian ngắn.

Về áp lực này, ông Thanh cho rằng đó là điều đương nhiên khi tăng vốn theo lộ trình, dẫn đến ROE của các ngân hàng bị ảnh hưởng, đồng thời cổ phiếu ngân hàng cũng giảm tính hấp dẫn.

“Tuy nhiên tăng vốn vẫn là lộ trình bắt buộc để tăng tính cạnh tranh, tăng mức độ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, cải thiện tính bền vững về thu nhập của ngân hàng về lâu dài. Có thể nói đây là giai đoạn quá độ bắt buộc trong hoạt động ngân hàng và dù sao thì đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn mang tính an toàn cao”, ông Thanh nói.

Và từ nay đến cuối năm, lãnh đạo ABBank nhận định, để đạt được mục tiêu lợi nhuận, các ngân hàng đều phải đối mặt với áp lực không nhỏ khi mặt bằng lãi suất cho vay dần phải giảm hơn nữa để khơi thông dòng vốn khiến chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra dần thu hẹp, ảnh hưởng đến nguồn thu chính của lợi nhuận, nhất là với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vẫn có những thuận lợi nhất định. Các nhà băng kỳ vọng ở tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, lạm phát sẽ giữ ở mức thấp để Ngân hàng Nhà nước áp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để hỗ trợ khơi thông vốn và ổn định thanh khoản, trong khi dư nợ tín dụng thực tế của ngành mới chỉ tăng 10,52% và dư địa để đẩy mạnh tín dụng còn khá lớn (định hướng cả năm 25%).

“Vì vậy, nếu diễn biến thị trường 6 tháng còn lại của năm không có biến động lớn, lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 3/2010 sẽ tăng trưởng ổn định và việc các ngân hàng lớn sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm là hoàn toàn có thể”, ông Phạm Quốc Thanh dự tính.