11:15 12/04/2010

Mặc cả giá vốn tiền gửi: Thêm bất ổn trên thị trường tiền tệ

Nguyễn Hoài

Không ít trường hợp mang tiền đến ngân hàng và thẳng thắn mặc cả, nếu không trả giá đúng 14,5%/năm, sẽ mang sang ngân hàng khác gửi

Mặc dù bản chất hành vi “mặc cả” được coi là bình thường, nhưng trước chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và vì lợi ích chung của cả nền kinh tế thì ở đây, vai trò của doanh nghiệp nhà nước vô cùng quan trọng - Ảnh: Quang Liên.
Mặc dù bản chất hành vi “mặc cả” được coi là bình thường, nhưng trước chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và vì lợi ích chung của cả nền kinh tế thì ở đây, vai trò của doanh nghiệp nhà nước vô cùng quan trọng - Ảnh: Quang Liên.
Những ngày qua, chủ đề “giảm lãi suất” rất  được quan tâm. Người vay, ngân hàng, cơ quan quản lý đều muốn giảm nhưng mấu chốt của vấn đề này lại xuất phát từ một câu chuyện tưởng như rất bình thường: mặc cả giá vốn!

Hỏi khắp các ngân hàng, đâu đâu cũng thừa nhận quyền chủ động về số lượng và lãi suất các món tiền gửi không còn nơi ngân hàng mà gần như hoàn toàn phụ thuộc vào bên gửi tiền.

“Áo” 10,5% nhưng “ruột” 14,5%!

Ông Trương Đình Song, Phó ban Nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, tình trạng bên gửi tiền mặc cả lãi suất tiền gửi với ngân hàng đang diễn ra rất phổ biến. Điều này không chỉ xảy ra với các món tiền gửi từ dân cư mà cả những lô tiền gửi lớn từ tổ chức kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước. Có những tổ chức kinh tế mặc dù có quan hệ truyền thống với một số ngân hàng nhưng vẫn tổ chức “đấu thầu lô tiền gửi” tại chỗ và ngân hàng nào trả lãi suất cao hơn sẽ thắng thầu.

Qua phản ánh của các hội viên, VNBA nhận được nhiều thông tin từ việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mặc cả lãi suất tiền gửi rất ghê gớm và thế chủ động về giá vốn đã thuộc về họ thay vì ngân hàng.

Không ít trường hợp mang lô tiền vài trăm tỷ đồng đến ngân hàng và thẳng thắn mặc cả, nếu không trả giá đúng 14,5%/năm, sẽ mang sang ngân hàng khác gửi, bất chấp hạn mức cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước là 10,5%/năm. Do đầu vào tăng nên có những ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay tới 18%/năm, thậm chí 20%/năm trong một số trường hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Bất cập lớn nhất hiện nay là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lượng vốn lớn nhưng lại hạn chế hỗ trợ công ty thành viên. Trong khi công ty thành viên phải vay vốn ngân hàng để làm ăn thì “bố” và “mẹ” dùng nguồn đó tổ chức đấu thầu giá vốn tại chỗ với ngân hàng”.

Và thực tế, nếu không “thuận mua vừa bán”, họ dịch chuyển vốn rất mạnh trên thị trường với các kỳ hạn ngắn từ 7 - 15 ngày từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tạo thêm bất ổn cho thị trường.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói: “Muốn lãi suất cho vay thấp thì điều kiện tiên quyết là lãi suất tiền gửi phải thấp, còn lãi suất tiền gửi  cứ nằng nặc 14,5%/năm thì ngân hàng không thể nào hạ lãi suất cho vay được, mặc dù cả hệ thống đang quyết tâm cao”.

Mới đây, khi VNBA tổ chức cuộc họp thành viên ở phía Nam và phía Bắc, đại đa số đều nhất trí hưởng ứng chính sách giảm lãi suất của Chính phủ bằng cách tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất và đồng thuận giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ thanh toán, thanh khoản cho ngân hàng thương mại khá tích cực.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn; đối với nghiệp vụ thị trường mở, cơ quan này cũng tăng phiên, kéo dài ngày dao dịch và đẩy cao doanh số tới 14 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi tuần trước đó, bên cạnh các hỗ trợ khác để lãi suất thị trường 2 giảm còn khoảng 6,9%/năm…

“Đắt” chưa hẳn “xắt ra miếng”

Đã là thị trường thì việc mặc cả giá vốn là điều hết sức bình thường, thể hiện quyền của người bán và người mua. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban Kinh doanh nguồn vốn BIDV, hành vi nêu trên sẽ để lại những tác động tiêu cực.

Trước hết, những ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có tiềm lực tài chính tốt, gương mẫu chấp hành chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 10,5%/năm thì bị các ngân hàng thương mại cổ phần khác lấy bớt khách hay nói cách khác là “vốn chạy lòng vòng” như năm 2008, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng này.

Đồng thời, những cú dịch chuyển vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác với các kỳ hạn ngắn làm cho ngân hàng gặp khó khăn khi lên kế hoạch kinh doanh và chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng các nhu cầu cho đầu tư.

Đó là chưa nói, để hợp thức hóa sự mặc cả này, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải tìm cách giở những kỹ xảo kế toán “điêu toa”, đưa tất cả những chi phí ngoài quy định của lãi suất tiền gửi, tiền vay vào các “chi phí khác”. Dẫn đến, bên cạnh bút toán lãi suất bị “méo” thì bút toán “chi phí khác” cũng “vẹo vọ” theo và thử hỏi, con số từ các khoản mục chi phí, thu nhập trên bảng cân đối của doanh nghiệp và ngân hàng có còn trung thực?

Mặc dù bản chất hành vi “mặc cả” được coi là bình thường, nhưng trước chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và vì lợi ích chung của cả nền kinh tế thì ở đây, vai trò của doanh nghiệp nhà nước vô cùng quan trọng.

Bà Hương cho rằng, lượng tiền gửi vào ngân hàng của nhóm đối tượng này chiếm tới 55%/tổng lượng tiền gửi ở các tổ chức tín dụng (tính đến 31/12/2009 là 1.777 nghìn tỷ đồng), nếu họ gương mẫu, “đầu tàu” trong việc chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt thì mặt bằng lãi suất sẽ được giảm đáng kể. Hơn nữa, khi lãi suất tiền gửi giảm, thì doanh nghiệp mới mở rộng được sản xuất kinh doanh, GDP tăng trưởng ổn định và chính họ cũng được lợi.

Ngoài ra, một vấn đề nhạy cảm khác là do cơ chế và cách điều hành của nhà nước gần như không cho phá sản hay giải thể ngân hàng cho nên bên gửi tiền luôn nghĩ rằng, mức độ rủi ro của các ngân hàng đều như nhau nên chỉ cần một lời mời có giá vốn cao hơn lập tức họ gửi tiền ngay.

Một giả định không ai mong muốn rằng, rủi ro xảy ra với một ngân hàng nào đó, trong khi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng từ bỏ vai trò “bà mẹ bảo hiểm” bất đắc dĩ như lâu nay và thẳng tay cho phá sản hay giải thể thì lúc đó, lãi suất cao còn có ý nghĩa gì?