12:03 29/05/2008

Merrill Lynch “mổ xẻ” lạm phát ở Việt Nam

Kiều Oanh

Merrill Lynch cho rằng, trong cuộc chiến chống lạm phát, Việt Nam có những điểm khác biệt cơ bản so với các nước châu Á khác

Các chuyên gia Merrill Lynch cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát của Việt Nam có hàm chứa nhiều bài học quan trọng cho khu vực.
Các chuyên gia Merrill Lynch cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát của Việt Nam có hàm chứa nhiều bài học quan trọng cho khu vực.
Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch của Mỹ vừa công bố một báo cáo về tình hình kinh tế châu Á, trong đó lấy Việt Nam làm tâm điểm để phân tích tình trạng lạm phát leo thang trong khu vực.

Trong bản báo cáo tựa đề “Vietnam: Anatomy of an inflation shock” (Việt Nam: Giải phẫu cú sốc lạm phát) này, các chuyên gia Merrill Lynch cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát của Việt Nam có hàm chứa nhiều bài học quan trọng cho khu vực.

Thấy gì từ các động thái của Ngân hàng Nhà nước?

Báo cáo nhận định, Việt Nam chỉ là một nền kinh tế nhỏ trong khu vực châu Á vì GDP 70 tỷ USD của Việt Nam chỉ tương đương với 1% GDP của toàn khu vực này, trừ Nhật Bản. Trong những năm gần đây, Việt Nam gây ấn tượng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Mặc dù vậy, Việt Nam đang chịu tác động từ chính thành công quá lớn và quá nhanh chóng của chính mình.

Theo các số liệu đưa ra trong báo cáo, các dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2007 có thể đạt 5,7 tỷ USD (8,1% GDP), còn các dòng vốn khác có thể đạt khoảng 8,9 tỷ USD (12,7% GDP). Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng trong năm 2007 đạt mức 54%, thị trường chứng khoán cũng phát triển bùng nổ.

Việc có phải chính sách vĩ mô đã “gây ra” tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam hiện nay là một câu hỏi gây tranh cãi. Ở các nước châu Á khác, giá lương thực - thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính gây lạm phát, nhưng ở Việt Nam, giá cả các mặt hàng phi lương thực cũng tăng tới trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái do tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu cao và thanh khoản dồi dào.

Để chống lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong đó có tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 12%. Các chuyên gia của Merrill Lynch bình luận, mức độ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước chứng tỏ, để chống lạm phát, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phải trả một cái giá nhất định.

Đồng thời, những lo ngại ban đầu về lạm phát đã trở thành những lo ngại trên phạm vi lớn hơn về bất ổn kinh tế vĩ mô.

“Cú sốc” lạm phát

Theo báo cáo này, những biểu hiện của một “cú sốc” lạm phát bao gồm:

Thứ nhất, lạm phát tăng mạnh, khiến ngân hàng trung ương phải phản ứng mạnh bằng chính sách tiền tệ.

Thứ hai, thanh khoản thắt chặt, lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng xấu đi.

Thứ ba, giá cả của những mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố tâm lý, như chứng khoán và bất động sản giảm nhanh; đồng nội tệ có thể lên giá hoặc xuống giá.

Và thứ tư, đồng nội tệ có thể lên giá hoặc xuống giá. Nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt từ từ và thị trường vẫn tin tưởng vào chính sách vĩ mô, đồng nội tệ có thể lên giá. Nhưng nếu bất ổn xảy ra, triển vọng tăng trưởng xấu đi và dòng vốn ngoại chảy ra, đồng nội tệ sẽ mất giá mạnh.

Tình hình lạm phát ở Việt Nam hiện nay được coi là một ví dụ về “cú sốc” lạm phát. Một số ví dụ khác bao gồm Trung Quốc hồi mùa xuân năm 2004 và mùa thu năm 2007, Ấn Độ đầu 2008, Indonesia mùa hè 2005…

Báo cáo cho rằng, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm giống như kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn cả hai nước đều mới gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu và đầu tư… Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là cuộc chiến chống lạm phát ở Việt Nam căng thẳng hơn nhiều. Vấn đề cốt lõi - theo báo cáo nhận định - là Việt Nam đã tiếp nhận một lượng vốn lớn hơn rất nhiều so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Merrill Lynch cho rằng, trong cuộc chiến chống lạm phát, nhìn chung Việt Nam có những điểm khác biệt cơ bản sau so với các nước châu Á khác.

Thứ nhất, Việt Nam đang ở tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai, trong khi phần lớn các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á có cán cân vãng lai thặng dư. Thặng dư này có thể tạo ra một tấm nệm cho sự rút lui của các dòng vốn ngoại, đồng thời giúp cho việc tăng giá đồng nội tệ để chống lạm phát trở nên dễ dàng hơn, giảm bớt sự cần thiết phải tăng lãi suất.

Thứ hai, các dòng vốn đổ vào Việt Nam năm ngoái chiếm tỷ trọng khá lớn so với GDP. Trong khi đó, các dòng vốn đổ vào các nước châu Á khác chỉ ở mức khiêm tốn. Do đó, ở các nước này, việc điều hành chính sách tiền tệ ít gặp khó khăn hơn, đồng thời, cũng không có những rủi ro lớn trong trường hợp có sự rút lui đột ngột của các dòng vốn.

Và thứ ba, các nước trong khu vực còn có những yếu tố khác giúp ổn định tốt tình hình kinh tế vĩ mô mà Việt Nam không có, như dự trữ ngoại hối cao, nợ nước ngoài thấp và tình hình ngân sách lành mạnh hơn.