16:46 08/04/2009

Mở rộng hỗ trợ lãi suất: Đang chờ nguồn lực mới

Minh Đức

Số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ là bao nhiêu với quyết định mở rộng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn?

Trong thời gian qua, một số ngân hàng cho biết đã nhận được khá nhiều yêu cầu vay vốn được hỗ trợ lãi suất cho các dự án dài hạn với quy mô đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, một số ngân hàng cho biết đã nhận được khá nhiều yêu cầu vay vốn được hỗ trợ lãi suất cho các dự án dài hạn với quy mô đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Từ 4/4, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn, bên cạnh các khoản vay ngắn hạn đã được triển khai trong hai tháng qua.

Ngày 7/4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản hướng dẫn, xác định các nhóm ngành, lĩnh vực thuộc diện nhận ưu đãi từ chính sách này. Các ngân hàng thương mại cho biết cũng đang gấp rút chuẩn bị để triển khai.

Số tiền hỗ trợ sẽ tăng lên

Ngay sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ, câu hỏi đặt ra đối với nhiều người quan tâm đến chính sách này là liệu số tiền dùng cho hỗ trợ lãi suất sẽ là bao nhiêu bên cạnh con số khoảng 17.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD) dành hỗ trợ cho các khoản vay ngắn hạn đã và đang triển khai? Phía sau con số đó cũng là lượng vốn giải ngân có thể xác định tương ứng.

Về câu hỏi trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, về nguyên tắc, số tiền hỗ trợ sẽ tăng lên, nhưng con số dự tính cụ thể hiện chưa được công bố.

“Điều này tùy thuộc vào sự cân đối khả năng của ngân sách, đã được Chính phủ tính toán để đưa ra quyết định mở rộng việc hỗ trợ cho các khoản vay trung và dài hạn. Mặt khác, cũng cần xét đến nhu cầu về nhu cầu vốn ở những kỳ hạn này”, ông Bảo nói.

Theo một số ngân hàng thương mại, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện nay khá lớn. Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng, trước những khó khăn từ suy giảm kinh tế, hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhu cầu cơ cấu lại hoạt động và đầu tư là lớn nhưng việc cân đối nguồn vốn, trong đó có vốn vay, sẽ được tính toán thận trọng.

“Với Ngân hàng Nhà nước, đó cũng là sự cân nhắc khi xác định và hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai chính sách này. Những nhóm ngành, lĩnh vực đã xác định trong văn bản hướng dẫn vừa ban hành cũng chính là nhóm đối tượng trọng điểm của nền kinh tế, cần được hỗ trợ, và theo đó sức tác động sẽ thể hiện trên diện rộng”, ông Bảo cho biết thêm.

Đang chờ nguồn lực mới

Tại hội nghị các công ty niêm yết sáng nay (8/4), việc Chính phủ quyết định mở rộng hỗ trợ lãi suất được doanh nghiệp bình luận là một tin vui, kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong, nhận định chính sách mới của Chính phủ đã đáp ứng nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp hiện nay. “Đây là động lực mới cho việc thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh của chúng tôi trong thời gian tới, cũng như sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế nhanh hơn”, ông Phúc nói.

Với các doanh nghiệp, khi nguồn lực mới đến với các khoản vay trung và dài hạn, bên cạnh chi phí tài chính giảm, họ sẽ có thêm sự chủ động hơn trong xây dựng các phương án kinh doanh thay vì có khả năng bị “ép chín” để tranh thủ lợi ích ở nguồn hỗ trợ ngắn hạn trước đó; họ cũng sẽ chủ động hơn trong yêu cầu sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Đáng chú ý là trong thời gian qua, một số ngân hàng cho biết đã nhận được khá nhiều yêu cầu vay vốn được hỗ trợ lãi suất cho các dự án dài hạn với quy mô đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, những giá trị trên còn phụ thuộc vào sự triển khai thực tế của các ngân hàng thương mại.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, ngay trong chiều qua và sáng nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tổ chức các cuộc họp nóng để chuẩn bị triển khai chính sách mới, cũng như điều chỉnh các kế hoạch liên quan. Một số thành viên cho biết sẽ chính thức vào cuộc từ đầu tuần tới sau khi thống nhất chủ trương trên toàn hệ thống.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), dù đã có kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với các khoản vay ngắn hạn vừa qua, nhưng ngân hàng vẫn rất cần các hướng dẫn chi tiết hơn về sự mở rộng này.

“Dù đã có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng trong quá trình thực hiện gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ vẫn còn rất nhiều khúc mắc từ phía các ngân hàng. Do đó chúng tôi mong rằng Ngân hàng Nhà nước mở một đường dây nóng cho các ngân hàng thương mại để kịp thời giải đáp thắc mắc. Đành rằng có những vấn đề đã được quy định trong văn bản, nhưng cũng có những vấn đề nhỏ lẻ nhưng có thể gây ách tắc”, Phó tổng giám đốc ABBank đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng khuyến nghị, “sau những gói kích cầu nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nên chăng Chính phủ cũng cần có một gói kích cầu về tiêu dùng. Vì hiện nay những biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng vẫn chưa đạt được như mong muốn, mặc dù đã được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, nhưng tâm lý người dân vẫn thắt lưng buộc bụng”.