07:53 30/11/2011

Món “nợ đồng lần” giữa các ngân hàng

Nguyễn Hoài

“Không riêng gì ngân hàng tôi lâm vào khó khăn này mà tình trạng “nợ đồng lần” đang diễn ra ở nhiều ngân hàng khác”

Các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước, đang thắt chặt cho vay lẫn nhau và điều kiện đưa ra khi cho vay là phải có tài sản đảm bảo.
Các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước, đang thắt chặt cho vay lẫn nhau và điều kiện đưa ra khi cho vay là phải có tài sản đảm bảo.
Sau thông tin 4 ngân hàng thương mại ở Tp.HCM dây dưa trả món nợ vay trị giá 1.475 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng cho một ngân hàng ở Hà Nội, giải thích với VnEconomy, một số lãnh đạo ngân hàng ở Tp.HCM nói rằng: họ vay ngân hàng này, nhưng ngân hàng khác lại nợ họ không chịu trả, nên kẹt!

Hiện, một số chủ nợ và con nợ đang thương thảo giãn nợ và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên tổ chức một “hội nghị giữa con nợ và chủ nợ”, tìm hướng giải quyết.

Kẹt vì… “nợ đồng lần”!

Tổng giám đốc ngân hàng S. có khoản nợ gần 400 tỷ đồng của ngân hàng nói trên nói: “Không riêng gì ngân hàng tôi lâm vào khó khăn này mà tình trạng “nợ đồng lần” đang diễn ra ở nhiều ngân hàng khác. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là ưu tiên giải quyết các khoản nợ cho thị trường dân cư và tổ chức (thị trường 1), còn các khoản nợ trên thị trường liên ngân hàng giữa các tổ chức tín dụng với nhau (thị trường 2) đành phải gia hạn và đương nhiên, phải chấp nhận lãi phạt của chủ nợ”.

Trao đổi thêm với tổng giám đốc ngân hàng ĐT, hiện đang có khoản nợ 130 tỷ đồng, ông này cho biết: “Vay tới vay lui trên thị trường liên ngân hàng là hoạt động bình thường. Lý do chưa trả được nợ là vì ngân hàng khác vay tôi nhưng khựng lại chưa trả nên ngân hàng tôi bị kẹt! Tình trạng cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn của ngân hàng tôi vẫn tốt. Chỉ vài tuần tới, sẽ thanh toán khoản nợ 130 tỷ nói trên cho ngân hàng bạn”.

Qua tìm hiểu, tình trạng nợ nần lẫn nhau không chỉ diễn ra ở khối cổ phần mà lan sang cả một vài ngân hàng thương mại nhà nước. Đại diện của VietinBank tiết lộ, ngân hàng này đang có một số khoản nợ quá hạn đã lâu ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhưng vẫn chưa được thanh toán.

Một chủ nợ khác cho biết, lấy lý do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các đơn vị yếu thanh khoản “ưu tiên giải quyết các khoản nợ cho thị trường 1” như nói trên, các con nợ đã khất lần. Ông nói: “Chúng tôi đến đòi, họ nói là Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo như thế, và mặc dù là có tiền nhưng không chịu trả!”.

Vậy, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại phân biệt trật tự ưu tiên trả  nợ cho thị trường 1 mà không phải cho cả thị trường 2? Tổng giám đốc một ngân hàng nói: “Chúng tôi có biết tình trạng khó khăn thanh khoản hiện nay ở một số ngân hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước chủ trương ưu tiên như trên là bởi cơ cấu tiền gửi thị trường dân cư chiếm tỷ trọng rất lớn; còn tiền vay trên thị trường liên ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng thấp hơn”.

Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng lại không đồng tình với chủ trương này. Ông cho rằng: “Đã khó khăn thanh khoản thì thị trường nào cũng đáng lo ngại như nhau. Bởi lẽ, ngân hàng A cho ngân hàng B vay tiền thì A cũng huy động ở thị trường 1. Nếu B không trả đúng hạn thì A sẽ không có tiền trả cho dân cư và lúc đó cũng gặp khó khăn thanh khoản. Trong kinh doanh ngân hàng làm gì có chuyện đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối!”.

Từ thực tế này, động thái đầu tiên ở các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước là thắt chặt cho vay lẫn nhau và điều kiện đưa ra khi cho vay là phải có tài sản đảm bảo; đồng thời, kêu khó với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, câu trả lời từ Ngân hàng Nhà nước là “có tài sản đảm bảo thì cho vay còn nếu không thì thôi!”.

Mối lo thất tín

Trao đổi với VnEconomy, tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng: cách thức sử dụng tài sản đảm bảo trên thị trường 2 như ở thị trường 1, để tránh chây ỳ nợ là không phù hợp vì những lý do sau.

Thứ nhất, lấy ví dụ với một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện nay, giá trị tài sản cố định của ngân hàng không được phép quá 50% vốn điều lệ, có nghĩa, tài sản cố định ở ngân hàng trên chỉ tương đương 1.500 tỷ đồng. Trong cơ cấu 1.500 tỷ đồng nói trên, một tỷ trọng không nhỏ là phương tiện làm việc như máy móc thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin; phần mềm lõi ngân hàng nhưng phải đáp ứng điều kiện “có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; có giá trị 10 triệu đồng trở lên” như quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 và Thông tư 203/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính về “Quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định”.

Như thế, phần giá trị còn lại trong 1.500 tỷ đồng nói trên là chứng nhận quyền sử dụng đất tại hội sở, chi nhánh mới có thể đem thế chấp. Chưa kể, quá trình xử lý một hồ sơ vay vốn như ở thị trường 1 đòi hỏi phải trải qua 6 bước: lập hồ sơ vay, phân tích tín dụng; ra quyết định tín dụng, giải ngân, giám sát tín dụng và thanh lý hợp đồng, rất tốn kém thời gian.

Và như thế, sẽ không thể phù hợp vì giá trị tài sản đảm bảo không đủ so với quy mô vay mượn hàng nghìn tỷ đồng/lần với nhau; không đáp ứng kịp thời vì mỗi giao dịch xảy ra rất nhanh trong từng giờ, từng ngày.

Thứ hai, một loại tài sản khác có thể thế chấp là giấy tờ có giá (trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu hay kỳ phiếu ngân hàng), thậm chí là giấy tờ đảm bảo hay quyền đòi nợ của khách hàng đang vay vốn và thế chấp tại ngân hàng mình nhưng, phương án này cũng không khả thi.

Bởi lẽ, một là, nếu đã sở hữu trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng sẽ mang lên giao dịch trên OMO, chứ ít khi thế chấp cho ngân hàng khác để vay vốn. Chưa kể, trong cơ cấu tài sản của những ngân hàng yếu thanh khoản thì loại tài sản này chiếm tỷ trọng rất thấp, nếu như không nói là không có, ngoại trừ trường hợp bắt buộc mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước như từng xảy ra năm 2008 theo Quyết định 346/QĐ-Ngân hàng Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, nếu có ngân hàng nào đã mua kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng của nhau thì họ mang thế chấp ngay tại ngân hàng mà mình cầm nợ để vay tiền, chứ không thể còn để mang thế chấp ở ngân hàng khác.

Ba là, đối với thế chấp bằng quyền đòi nợ hoặc giấy tờ đảm bảo của khách hàng vay vốn tại ngân hàng mình, cũng không ổn. Chẳng hạn, ngân hàng B muốn đem giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trị giá 10 tỷ đồng của khách hàng A đã thế chấp vay vốn tại ngân hàng mình, để đem thế chấp vay vốn của ngân hàng C thì trước hết, B phải xác nhận khoản vay của A là nợ tốt ở nhóm 1 và sau đó, phải được sự đồng ý của khách hàng A thì C mới đồng ý nhận vật thế chấp cho B. Đối với giấy tờ có giá là quyền đòi nợ cũng tương tự như vậy.

Trên thực tế, rất hiếm trường hợp A đồng ý cho B mang giấy tờ của mình đi thế chấp ở ngân hàng C vay vốn và giả định, A có đồng ý thì B cũng không thể làm như vậy vì sẽ mất uy tín với A và thị trường.

Xuất phát từ thực tế trên, những ngày này chủ nợ và con nợ đang thương thảo với nhau để tiếp tục giãn nợ hoặc trả dần; đồng thời, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về tình trạng chung để nhà điều hành có giải pháp. Theo nhiều ý kiến, Ngân hàng Nhà nước không nên phân biệt: ưu tiên tái cấp vốn cho các khoản nợ thị trường 1 và coi nhẹ khoản nợ trên thị trường 2. Bởi xét cho cùng, khi yếu thanh khoản thì thị trường nào cũng đáng lo như nhau. Hơn nữa, một ngân hàng có khoản nợ 5 nghìn tỷ đồng, nếu được tái cấp vốn để trả 1 tỷ đồng cho thị trường 1 để giữ lời hứa, trong khi thất hứa với 4 nghìn tỷ đồng ở thị trường 2 thì hóa ra, đang có chuyện “tham bát bỏ mâm” ở đây. Có ý kiến đề nghị, một hành động sớm và dứt khoát của Ngân hàng Nhà nước lúc này sẽ vô cùng cần thiết, để loại bỏ ngay biểu hiện “thất tín” đang manh nha trong hệ thống ngân hàng và không để chúng nhiễm vào quan hệ giữa ngân hàng với người dân.