23:43 15/12/2010

Moody’s hạ tín nhiệm 6 ngân hàng và trái phiếu Chính phủ Việt Nam

An Huy - Vinh Nguyễn

Moody’s cắt giảm định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ mức Ba3 về mức B1

Triển vọng mà Moody’s dành cho hạng mức tín nhiệm nợ mới của Việt Nam là “tiêu cực”.
Triển vọng mà Moody’s dành cho hạng mức tín nhiệm nợ mới của Việt Nam là “tiêu cực”.
Ngày 15/12, hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service đã cắt giảm định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam, từ mức Ba3 về mức B1.

Theo hãng tin Reuters, những lý do mà Moody’s đưa ra cho động thái đánh tụt điểm tín nhiệm này là rủi ro gia tăng về cán cân thanh toán, lạm phát tăng tốc, và gánh nặng nợ nần tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Triển vọng mà Moody’s dành cho hạng mức tín nhiệm nợ mới của Việt Nam là “tiêu cực”.

Reuters dẫn lời ông Tom Byrne, Phó chủ tịch phụ trách mảng đánh giá rủi ro nợ quốc gia của Moody’s, theo đó “sự lưỡng lự của Việt Nam trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như chưa cho phép đồng nội tệ giảm giá tương xứng với áp lực thị trường đã làm cán cân thanh toán yếu đi”.

Ở lĩnh vực này, những thách thức mà Việt Nam đang đương đầu, theo Moody’s, bao gồm thâm hụt cán cân thương mại tăng lên, tình trạng thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại hối giảm và áp lực mất giá đối với đồng nội tệ.

Chuyên gia này còn cho rằng, với tốc độ lạm phát trong thời gian qua, chính sách của Việt Nam “vẫn ưu tiên mục tiêu tăng trưởng thay vì mục tiêu ổn định”. Ông khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát áp lực lạm phát.

Về Vinashin, Moody’s nhận định, tình hình nợ của doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của Việt Nam từ thị trường quốc tế. Trong thời gian gần đây, cùng với Moody’s, hai hãng định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới khác là Standard & Poor’s và Fitch Ratings đều đã cùng lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ nần của Vinashin.

Cũng trong ngày 15/12, Moody's đã hạ định mức tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ từ mức B1 xuống B2 đối với 6 ngân hàng của Việt Nam, bao gồm: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Hầu hết các ngân hàng này đều có trụ sở tại Hà Nội, ngoại trừ ACB có trụ sở ở Tp.HCM.

Ngoài ra, Moody's cũng hạ một đến hai bậc xếp hạng tín dụng cơ sở (Baseline Credit Assessments) và xếp hạng sức mạnh tài chính ngân hàng (Bank Financial Strength Ratings) đối với 6 ngân hàng trên.