08:36 25/02/2008

Một tuần, “bơm” ra 39.000 tỷ đồng

Nguyễn Đức

Vốn VND khan hiếm, thị trường tiền tệ vào thời điểm này "nóng" lên chưa từng thấy trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam

Ngân hàng tranh nhau tăng lãi suất, tặng quà khách hàng - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ngân hàng tranh nhau tăng lãi suất, tặng quà khách hàng - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Vốn VND khan hiếm, thị trường tiền tệ vào thời điểm này "nóng" lên chưa từng thấy trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam.

Trên thị trường liên ngân hàng hầu như chỉ có người vay mà không có người cho vay và lãi suất được đẩy lên cao tới mức chóng mặt. Tình trạng đó sẽ có những tác động gì?

Chỉ trong có 1 tuần một số ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất tới 2-3 lần. Sau khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (Sea Bank) đưa ra mức lãi suất huy động vốn VND kỳ hạn ngắn lên tới 12%/năm, thì một ngày sau, tức ngày 21/2 ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đưa ra chương trình siêu lãi suất, lên tới 12,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.

Không chịu kém, từ ngày 22/2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đưa ra mức lãi suất cao hơn, huy động vốn kỳ hạn 12 tháng với lãi suất tới 13,5%/năm. Thậm chí hiện nay một số ngân hàng thương mại còn đưa ra mức lãi suất thoả thuận tới 1,2% đến 1,3%/tháng đối với khách hàng gửi tiền với khối lượng lớn.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước được coi là bình tĩnh thì cuối tuần qua cũng thể ngồi yên được nữa, đã phải đồng loạt tăng lãi suất huy động vốn của mình.

Tiếp theo, một phản ứng dữ dội hiếm thấy và cũng được coi là "cực kỳ nguy hiểm" khi lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất liên ngân hàng tăng cao chóng mặt. Đặc biệt lãi suất liên ngân hàng ngày 15/2/2008 lên tới 30,1%/năm; ngày 18/2/2008 lập một kỷ lục mới khi lên tới 33%/năm, ngày 19/2/2008 kỷ lục cao hơn nữa lên tới 43%/năm...

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần dự báo trong tuần này lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sẽ tiếp tục ở mức từ 40%/năm trở lên.

Thị trường "căng" đến mức ngày 22/2/2008 Ngân hàng Nhà nước phải bơm thêm 6.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở cho một số ngân hàng thương mại trúng thầu, gấp 5 - 6 lần doanh số giao dịch lúc bình thường, với lãi suất tới 13%/năm của kỳ hạn 14 ngày, giảm 2% so với mức 15%/năm của ngày 21/2/2008.

Tính tổng cộng chỉ trong một tuần, Ngân hàng Nhà nước phải bơm ra tới 39.000 tỷ đồng, mức hỗ trợ thanh khoản chưa từng có trong lịch sử can thiệp vốn khả dụng của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay, bằng trên 50% so với mức 61.133 tỷ đồng mua vào giấy tờ có giá ngắn hạn của cả năm 2007.

Tuy nhiên hầu như chỉ có các ngân hàng thương mại nhà nước, một số ít ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, một số chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có điều kiện đang sở hữu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và Tín phiếu Kho bạc Nhà nước, Trái phiếu đô thị Tp.HCM..., thì mới có cơ hội vay với khối lượng lớn vốn đó.

Do đó, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ và trung bình phải đi vay lại trên thị trường liên ngân hàng khoản vay của các ngân hàng thương mại đó với lãi suất từ 30% đến 43%/năm, gấp 2 -3 lần lãi suất họ vay được của Ngân hàng Nhà nước. Không phải làm gì, các ngân hàng thương mại nhà nước kiếm được các khoản lời lớn do chênh lệch lãi suất.

Một tình trạng vốn chạy lòng vòng đẩy lãi suất lên cao trong nền kinh tế hiện nay, rõ ràng tác động tiêu cực chung đến tăng trưởng GDP.

Song phản ứng hết sức đáng quan tâm là tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bởi vì hiện nay hàng loạt ngân hàng thương mại hạn chế cho khách hàng vay vốn, tập trung thu nợ. Mà nếu có vay được thì với lãi suất cao chót vót (có nơi đến 2%/tháng) thử hỏi rằng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào có thể chịu đựng nổi?

Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một báo cáo gần đây về nền kinh tế Việt Nam cũng tính toán rằng độ trễ trong tác động của chính sách tiền tệ là từ 15 đến 18 tháng. Do đó tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nền kinh tế do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2008. Rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP là 9% trong năm nay rất khó đạt được.

Mục tiêu về kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, hạn chế sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản, hỗ trợ thị trường chứng khoán... là đúng nhưng các công cụ can thiệp phải theo cơ chế thị trường chứ không thể là các biện pháp hành chính, gây sốc cho thị trường. Đồng thời, việc đặt ra yêu cầu chính sách tiền tệ phải thực hiện cả 4 mục tiêu cùng một lúc là không những quá tham vọng, mà còn trái quy luật...