11:16 13/05/2008

Mua, bán ngoại tệ: “Giật gấu vá vai”

Sau một thời gian im ắng, từ đầu tuần này các ngân hàng nước ngoài lại bắt đầu tăng cường mua ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước đã bán ra với số lượng ước trên 2 tỷ USD trong sáu tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước đã bán ra với số lượng ước trên 2 tỷ USD trong sáu tuần qua.
Sau một thời gian im ắng, từ đầu tuần này các ngân hàng nước ngoài lại bắt đầu tăng cường mua ngoại tệ.

Họ thậm chí đặt mua ở các ngân hàng cổ phần hàng trăm triệu USD/ngày với giá 16.300 đồng/USD. Tuy nhiên nhu cầu của họ không được đáp ứng bao nhiêu bởi các ngân hàng Việt Nam cũng đang cần ngoại tệ.

Từ cuối tháng 3 đến nay, giá niêm yết mua bán đô la của nhiều ngân hàng luôn kịch trần, lên tới 16.145 đồng/USD vào ngày 6/5/08. Ngân hàng Sài Gòn Công thương thậm chí còn niêm yết giá mua USD tiền mặt ngang bằng giá mua chuyển khoản, một dấu hiệu cho thấy cầu ngoại tệ tiếp tục vượt cung.

Bán 2 tỉ đô la trong sáu tuần

Chênh lệch giá mua bán USD của các tiệm vàng lớn bên hông chợ Bến Thành những ngày gần đầy chỉ còn 10-15 đồng/USD. Chị V. chủ một tiệm vàng cho biết: “Ra giá cao, mua được số lượng lớn, thì dù chênh lệch thấp vẫn có lời nhiều. Cứ gom được 300.000 USD trở lên là tôi mang bán cho ngân hàng, giá 16.200 đồng, bao nhiêu họ cũng mua hết”.

Ngân hàng cổ phần mua thêm USD từ thị trường tự do, sau khi cân đối đủ trạng thái ngoại hối, còn lại đem bán cho ngân hàng nước ngoài. USD đang “mai phục” ngày một dầy trên tài khoản vãng lai của nhà đầu tư nước ngoài ở những chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với tài khoản vãng lai, USD có thể vào ra bất cứ lúc nào, không chịu bất cứ một sự kiểm soát nào.

Ngoài tài khoản này, các nhà đầu tư nước ngoài còn sử dụng hai loại tài khoản khác: tài khoản góp vốn mua cổ phần, chuyển ngoại tệ ra tiền đồng; tài khoản USD góp vốn mua cổ phần. Loại thứ hai giống tài khoản vãng lai, chỉ khác là nó chỉ rõ mục đích để mua cổ phiếu. Hiện số tiền nằm trên ba loại tài khoản nói trên Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Không phải ngẫu nhiên nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tích trữ ngoại tệ trên tài khoản. Sự suy thoái của kinh tế Mỹ đã bớt nghiêm trọng, USD đang hồi phục so với các ngoại tệ mạnh khác. Đang có những dự báo 2% sẽ là đáy lãi suất USD và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không cắt giảm lãi suất thêm nữa. Nếu áp lực lạm phát gia tăng, FED thậm chí có thể tăng lãi suất và như thế giá USD có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Tích trữ ngoại tệ trên tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài đã đặt một chân lên máy bay. Họ đã sẵn sàng một khi USD trên thị trường quốc tế hồi phục ở cấp độ mạnh hơn.

Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục bán ra ngoại tệ với số lượng ước trên 2 tỷ USD trong sáu tuần qua. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD từ 20/3/08 trở đi (thời điểm USD ở Việt Nam đảo chiều, giá “chạy” từ 15.600 đồng lên 16.300 đồng/USD) và đến 1/4/08 đã bán chừng 1,2 tỷ USD.

Suốt tháng 4/2008, Ngân hàng Nhà nước bán ra “lai rai”, nhiều thì 200-300 triệu USD/ngày, ít thì vài chục triệu USD/ngày. Lượng bán ra thường đáp ứng một phần số đăng ký mua của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước , theo một quan chức trong giới ngân hàng, có đủ ngoại tệ để bán, nhưng vấn đề là bán ra nhiều, hút tiền đồng về nhiều, thì thị trường lại thiếu thanh khoản tiền đồng, lại phải “bơm” tiền ra qua kênh thị trường mở. Điều này giải thích tại sao tuần lễ trước ngày 30/4, số tiền đồng Ngân hàng Nhà nước đưa ra tăng vọt.

Câu chuyện bây giờ là Ngân hàng Nhà nước vẫn đang bối rối, chưa tính toán xong bán ra bao nhiêu ngoại tệ cho đủ, mua vào bao nhiêu cho vừa. Muốn giải phép tính này trước hết phải nắm được lượng tiền nước ngoài để trên tài khoản ở ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đây không phải là thông số duy nhất, nhưng là một trong những thông số cơ bản.

“Giật gấu vá vai”

Trên thực tế nhu cầu ngoại tệ tăng không phải chỉ từ phía ngân hàng nước ngoài, mà cả từ ngân hàng nội địa. Một mặt vốn huy động bằng ngoại tệ chảy vào ngân hàng chậm và độ tăng trưởng huy động ngoại tệ đang giảm.

Mặt khác do nhập siêu tới 11 tỷ USD bốn tháng đầu năm, và để đảm bảo thanh toán nhập khẩu tăng mạnh, nhiều ngân hàng buộc phải sử dụng ngoại tệ của khách hàng trên tài khoản. Ngoài 2 tỷ USD Ngân hàng Nhà nước bán ra, 9 tỷ USD còn lại được bù đắp bằng nhiều nguồn, trong đó có đầu tư gián tiếp. Nhưng từ hai tháng nay vốn đầu tư gián tiếp vào rất nhỏ giọt.

Đầu năm việc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ để đồng nội tệ lên giá nhằm chống lạm phát, cộng với sự chênh lệch quá lớn lãi suất tiền đồng và USD đã tạo nên nguồn cung ngoại tệ dồi dào một cách giả tạo, trong khi nền kinh tế đang nhập siêu.

Khi ấy, các ngân hàng đã “xua đuổi” USD ra khỏi bảng cân đối tài sản, doanh nghiệp cũng thế, người dân cũng thế. Không ai muốn giữ USD khi tiền đồng lên giá từng tuần và lãi suất tiết kiệm ngoại tệ chưa bằng một nửa lãi suất tiền đồng. Cho đến nay chưa ai tính được bao nhiêu USD đã ra khỏi tài khoản tiền gửi của khách hàng tổ chức và cá nhân? Và bao nhiêu trong số đó chảy vào tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài ở ngân hàng nước ngoài?

Một khi lượng ngoại tệ trên bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng sụt giảm đáng kể, nó sẽ tác động đến thanh khoản ngoại tệ các ngân hàng. Mức độ tác động đến từng ngân hàng sẽ khác nhau tùy thanh khoản cao thấp.

Ở bình diện ngoại tệ tín dụng, nhu cầu vay USD cũng đang được đẩy lên, buộc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ. Trong điều kiện nhiều ngân hàng yếu cả thanh khoản tiền đồng và ngoại tệ, trần lãi suất huy động đang bó tay họ.