12:54 07/04/2007

Mục tiêu phát triển thị trường vốn Việt Nam của Bộ Tài chính

Duy Linh

Nội dung chính của Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và định hướng tới 2020

Theo Đề án, mặc dù thị trường vốn phát triển khá nhanh song quy mô hiện còn nhỏ, chất lượng chưa cao, hàng hóa chưa đa dạng - Ảnh: VNN.
Theo Đề án, mặc dù thị trường vốn phát triển khá nhanh song quy mô hiện còn nhỏ, chất lượng chưa cao, hàng hóa chưa đa dạng - Ảnh: VNN.
Ngày 6/4, Bộ Tài chính cho biết đã trình bày Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và định hướng tới 2020 tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra Quyết định ban hành đề án này.

Theo Đề án, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu phát triển thị trường vốn cho giai đoạn trên là cần nhanh chóng hoàn thiện về thể chế, đảm bảo tính công khai, minh bạch và có sự kiểm soát của Nhà nước đối với toàn bộ thị trường; từng bước đưa thị trường vốn trở thành một cấu thành quan trọng của thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, thị trường vốn cần phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng trong nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2010 sẽ hoàn chỉnh cơ bản về cấu trúc thị trường vốn và đến năm 2020 sẽ phát triển tương đương với thị trường các nước trong khu vực.

Một số chỉ tiêu cụ thể được dự báo đến năm 2010 như giá trị vốn hóa thị trường bằng 50% GDP, huy động vốn cho đầu tư phát triển qua thị trường vốn đạt khoảng 16% GDP; hai tỷ lệ tương ứng đến năm 2020 dự báo sẽ là 70% và 30%.

Mặc dù thị trường vốn phát triển khá nhanh song quy mô còn nhỏ, chất lượng chưa cao, hàng hóa chưa đa dạng; tính minh bạch công khai còn hạn chế, số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp không nhiều.

Bên cạnh đó, công tác quản lý giám sát thị trường, điều hành vĩ mô còn nhiều bất cập trong khi năng lực cưỡng chế thực thi của cơ quan giám sát còn yếu và thiếu. Thị trường tự do chiếm thị phần lớn và tiềm ẩn bất ổn cho cả hệ thống tài chính.

Hoạt động đầu tư thường theo phong trào trong khi nguồn cung còn hạn chế, xảy ra hiện tượng mất cân đối cung cầu chứng khoán làm cho giá cổ phiếu vượt khỏi giá trị thực của doanh nghiệp và đã gây ra tình trạng “nóng” trên cả thị trường có tổ chức và thị trường tự do.

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện được những mục tiêu phát triển thị trường vốn như đã đề ra cho giai đoạn 2010 đến 2020 thì trước hết cần phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Điều này được cụ thể hóa bằng việc đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; thúc đẩy những doanh nghiệp đã cổ phần hóa đủ điều kiện phải thực hiện niêm yết đồng thời tiến hành rà soát để có thể bán tiếp phần vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phiếu mà Nhà nước không cần giữ cổ phiếu chi phối.

Mặt khác, cần đa dạng hóa các loại hình trái phiếu trên thị trường như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu doanh nghiệp..., phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh như: quyền chọn mua, bán chứng khoán, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, các sản phẩm từ chứng khoán hóa tài sản và các khoản nợ...

Thứ hai, thị trường vốn phải phát triển theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc, được quản lý giám sát bởi Nhà nước và có khả năng liên kết với các thị trường khu vực, quốc tế.

Để làm được điều đó cần sớm hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt nhằm tạo kênh huy động vốn; hình thành và phát triển thị trường giao dịch tương lai cho các công cụ phái sinh; thị trường chứng khoán hóa các khoản cho vay trung, dài hạn của ngân hàng... hay việc phát triển thị trường cổ phiếu theo nhiều cấp độ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều loại hình doanh nghiệp.

Trước mắt, từ tháng 6/2008, thị trường giao dịch chứng khóan sẽ được chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty theo tinh thần của Luật chứng khoán.

Thứ ba, cần phát triển các định chế trung gian và dịch vụ thị trường bằng cách thúc đẩy tăng số lượng, chất lượng hoạt động và năng lực tài chính của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... cũng như việc nghiên cứu thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm tại Việt Nam và cho phép một số tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín của nước ngoài vào hoạt động.

Thứ tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích các định chế đầu tư chuyên nghiệp như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... tham gia vào thị trường. Đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư để thu hút vốn dân cư tham gia; khuyến khích việc thành lập các quỹ đầu tư ở nước ngoài đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam theo quy định.

Thứ năm, phải nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước; nghiên cứu các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ trong những trường hợp cần thiết trên nguyên tắc được thể chế hóa, công bố công khai cho nhà đầu tư và chỉ áp dụng khi có những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh của hệ thống tài chính.