11:02 08/08/2008

“Muốn cho vay, chưa chắc khách chịu vay...”

“Muốn cho khách hàng tốt của mình vay thì chưa chắc họ chịu vay. Họ nói vay với mức lãi suất này thì mệt mỏi quá"

Ông Trần Phương Bình.
Ông Trần Phương Bình.
“Muốn cho khách hàng tốt của mình vay thì chưa chắc họ chịu vay. Họ nói vay với mức lãi suất này thì mệt mỏi quá. Còn khách hàng mình không khuyến khích họ vay thì không thể cho vay”.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á nói như vậy về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của ngân hàng hiện nay, trong bối cảnh thị trường tiền tệ đang có những chuyển biến mới như lãi suất có xu hướng giảm, nguồn ngoại tệ dồi dào hơn...

Thưa ông, điều gì đã khiến lượng ngoại tệ hiện nay trở nên dồi dào hơn mấy tháng trước?

Trước hết chúng ta phải hiểu rằng, tình hình kinh tế hiện nay ngược lại quy luật của những năm trước. Những năm trước, các tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu luôn luôn cao và cần một lượng USD tương ứng.

Còn hiện nay, Chính phủ chủ trương hạn chế nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, vì vậy 6 tháng cuối năm chắc chắn cầu ngoại tệ không bằng cùng kỳ năm 2007.

Tạm thời hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang dư nguồn tiền USD. Theo tôi, các ngân hàng đều có nhu cầu dự trữ ngoại tệ, nhưng không lớn bằng năm ngoái.

Bởi nhu cầu dự trữ hàng tết là có, nhưng không cao bằng năm ngoái. Nhà nhập khẩu sẽ thận trọng, bởi khi ra siêu thị, ra chợ, tình hình chung là người dân đã ý thức vấn đề chi tiêu, những gì không cần thiết thì không mua, cái cần thiết thì chỉ mua vừa đủ.

Lượng USD này dư dả như thế nào và trong bao lâu? Liệu có gì có thể làm đảo chiều từ thừa sang thiếu trong thời gian sắp tới không?

Dư ở chỗ các ngân hàng cũng muốn huy động bằng đồng ngoại tệ, với lãi suất thấp hơn tiền đồng, nhưng nhiều ngân hàng không xài hết được. Theo tôi, đây là lượng ngoại tệ dư dả trong ngắn hạn. Cung ngoại tệ dư từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, kiều hối… trong khi cầu thì giảm đi.

Từ giờ đến cuối năm, theo tôi, không có cơ sở nào để ngoại tệ biến động lớn. Thí dụ, các nhà đầu tư nước ngoài thời gian trước bị áp lực cắt lỗ chứng khoán, bán chứng khoán, mua USD.

Nay mặc dù thị trường chứng khoán chưa hồi phục, nhưng tình hình chung là có cải thiện. Nếu họ thấy rằng Chính phủ đang điều hành tốt, tỷ giá vẫn nằm trong kiểm soát, thì không có lý do gì họ cắt lỗ nữa.

Như vậy, thị trường tiền tệ đã thật ổn định?

Theo tôi, từ giờ đến cuối năm có thể nói là ổn định.

Vì sao nhiều ngân hàng chọn điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD trước lãi suất VND?

Mặt bằng lãi suất huy động đồng USD trong nước đang cao hơn nhiều so với lãi suất SIBOR (lãi suất liên ngân hàng Singapore), LIBOR  (lãi suất liên ngân hàng London). LIBOR hiện nay là 2,46%/năm. “Người ta” có 2 – 3%/năm mà mình ở mức 6%/năm là phi lý.

Còn lãi suất VND theo ông sẽ giảm tới đâu?

Lãi suất VND đang trong xu hướng giảm nhẹ. Nhưng điều lớn nhất các ngân hàng quan tâm là phản ứng của người dân như thế nào. Đâu thể nào dễ dàng mà giảm lãi suất huy động VND, vốn dĩ hiện đã không thực dương so với chỉ số lạm phát. Mức độ giảm sẽ được tăng lên hay giảm xuống phụ thuộc mạnh vào chỉ số giá cả sắp tới.

Vậy bao giờ thì lãi suất cho vay được giảm?

Nếu cho vay, nhiều ngân hàng lỗ với mức lãi suất đầu vào và đầu ra hiện nay. Nhưng một khi lãi suất đầu vào giảm, lãi suất cho vay sẽ được tính toán lại sớm.

Việc các ngân hàng đang giảm lãi suất có đồng nghĩa vốn khả dụng của ngân hàng tăng?

Tôi cho rằng các ngân hàng sử dụng vốn khả dụng tốt chứ bảo là thừa thì chưa đúng. Các ngân hàng thương mại nhà nước vốn khả dụng tốt. Các ngân hàng cổ phần thì vừa đủ. Đủ ở đây được hiểu là đủ cung cấp cho khách hàng.

Vậy liệu tín dụng sẽ được “thả lỏng” hơn không?
 
Với Đông Á hiện có hai khuynh hướng tín dụng. Thứ nhất là mình muốn cho khách hàng tốt của mình vay thì chưa chắc họ chịu vay. Họ nói vay với mức lãi suất này thì mệt mỏi quá. Còn khách hàng mình không khuyến khích họ vay thì không thể cho vay.

(Theo SGTT)