11:45 01/01/2013

Ngân hàng 2012 qua các con số

Minh Đức

Năm 2012 để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động ngân hàng, qua những dữ liệu thống kê

7% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính cả năm 2012, chỉ bằng phân nửa so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm là từ 15 - 17%. <br>
7% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính cả năm 2012, chỉ bằng phân nửa so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm là từ 15 - 17%. <br>
Từ tháng 4/2012, với Thông tư số 35, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện công bố các dữ liệu cơ bản, định kỳ. Bức tranh hoạt động hệ thống dần được định hình qua các con số, dù luôn có độ trễ.

Đến thời điểm này, nhiều con số quan trọng chưa được chốt lại hoặc chưa đến kỳ công bố, song có thể định hình tương đối qua tổng hợp ở các nguồn khác nhau.

4,9%: là tỷ lệ nợ xấu trong tổng tín dụng đối với nền kinh tế tính đến cuối tháng 9/2012. Con số này là theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tăng mạnh so với mức khoảng 3,1% cuối năm 2011. Còn theo giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước, con số đến cuối tháng 9/2012 là 8,82%.

7%: là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính cả năm 2012, chỉ bằng phân nửa so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm là từ 15 - 17%. Đây cũng là “kỷ lục” ngược trong nhiều năm qua. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán cả năm lại tăng mạnh khoảng 20%, chỉ tiêu đầu năm là khoảng 14 - 16%, mà một yếu tố được chú ý trong năm là lượng mua vào ngoại tệ tăng dự trữ rất lớn.

10 tỷ USD: là ước tính thặng dư của cán cân thanh toán tổng thể năm 2012. Đây là một trong những mức cao nhất trong lịch sử, sau năm 2007 với 10,1 tỷ USD. Đi cùng với thuận lợi này là tỷ giá được giữ ổn định, dự trữ ngoại hối của nhà nước tăng gấp đôi so với đầu năm (đảm bảo được gần 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế). Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước dự báo cán cân tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư năm thứ ba liên tiếp với khoảng 3 tỷ USD.

-0,96%: là mức giảm của tỷ giá USD/VND mua trung bình của các ngân hàng thương mại đến cuối tháng 12/2012 so với tháng 12/2011. Đây được xem là kết quả nổi bật của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỷ giá năm qua; cam kết không để biến động quá 2 - 3% được giữ vững.

95%: là tỷ lệ cho vay trên huy động vốn bằng VND của hệ thống cuối năm 2012. Còn tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) công bố chi tiết đến tháng 10/2012 trên thị trường 1 của toàn hệ thống là 91,13%. Dù là con số nào thì cũng cho thấy một sự cải thiện, khi cuối năm 2011 LDR lên tới 103,23%. Thanh khoản hệ thống theo đó cũng cải thiện hơn, một phần từ vốn huy động tăng mạnh trong khi tín dụng tăng trưởng thấp.

-2,4%: là mức giảm của tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tính đến 31/10/2012 so với cuối năm 2011; tổng quy mô theo đó còn 4,84 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản nhiều ngân hàng thương mại giảm mạnh trong năm do tín dụng thấp hoặc giảm, tương tác vốn giữa các thành viên hạn chế mà nổi bật là thị trường liên ngân hàng bị siết lại (với cơ chế mới ở Thông tư 21).

13,7%: là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống tính đến 31/10/2012. Đây là một mức cao so với quy định cụ thể tối thiểu 9% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu từ cuối năm 2010. Sự cải thiện của hệ số CAR cũng liên quan đến tín dụng tăng trưởng thấp; đặc biệt là đến 2012 tất cả các thành viên đã đảm bảo yêu cầu vốn pháp định, một số trường hợp đã tăng mạnh vốn điều lệ, điển hình như Vietcombank (sau khoảng hai năm chật vật đảm bảo hệ số CAR). Tính đến 31/10/2012, quy mô vốn điều lệ của toàn hệ thống cũng đã tăng đáng kể, tăng 9,59% so với cuối năm 2011.

1: là con số kết quả sáp nhập, hợp nhất, mua bán lại các ngân hàng nằm trong diện và trong lộ trình tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai. Con số này không nằm trong diện dữ liệu thống kê truyền thống, nhưng phản ánh một khía cạnh hoạt động chung. Năm 2012 chỉ chứng kiến duy nhất trường hợp Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Cuối năm, có thông tin Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hợp nhất Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) với Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC), mà sự nối tiếp phải chờ sang 2013.