07:02 14/04/2010

Ngân hàng chạy đua… “click” chuột

Hoàng Minh

Các ngân hàng Việt Nam đã và đang ráo riết đầu tư vào công nghệ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking)

Giao dịch tại Techcombank.
Giao dịch tại Techcombank.
Để hoàn tất một giao dịch theo cách truyền thống thường mất nhiều thời gian và trở ngại về không gian. Do đó, các ngân hàng Việt Nam đã và đang ráo riết đầu tư vào công nghệ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking), giúp khách hàng giao dịch chỉ bằng những “click” chuột đơn giản qua môi trường Internet.

Dồn dập từ đầu năm 2010, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố các kế hoạch đầu tư, hoàn thiện sản phẩm, liên kết tiện ích… để phát triển dịch vụ Internet Banking. Cạnh tranh trong hoạt động này ngày một “nóng”, và tất nhiên, các “khách hàng điện tử” ngày càng có thêm tiện ích và lựa chọn.

Xu thế đang mở rộng

Tại lễ ký kết hợp tác dịch vụ thanh toán với một đối tác cuối tháng 3 vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), đưa ra một thực tế đáng chú ý: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì mô hình ngân hàng với hệ thống quầy làm việc, những tòa nhà cao ốc, giờ làm việc hành chính... đang dần được thay thế bằng một mô hình ngân hàng mới, ngân hàng điện tử”.

Dẫn chứng mà ông Tuấn đưa ra là hiện nay người ta có thể thấy mọi mặt của hoạt động ngân hàng, từ kênh phân phối dịch vụ đến văn hóa bán hàng, công tác quản trị…, đều có thể được tích hợp vào môi trường điện tử.

“Mô hình ngân hàng điện tử sẽ giúp ngân hàng phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm liền mạch đối với khách hàng, mà kết quả cuối cùng là có thể phục vụ cùng một lúc một khối lượng khách hàng với quy mô lớn, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận”, ông Tuấn giải thích.

Những lợi ích đó không mới mẻ tại nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, cuộc chạy đua phát triển ngân hàng điện tử mới thực sự mở rộng những năm gần đây.

Năm 2003, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiên phong triển khai dịch vụ Internet Banking với phần mềm… “tự chế”. Thời điểm đó, mạng Internet băng thông rộng ADSL còn khá xa lạ, dịch vụ Internet Banking như một sản phẩm cao cấp và kén khách. “Do hạ tầng bấy giờ còn hạn chế, các dịch vụ tiện ích nhiều giá trị gia tăng như hiện nay chưa thế phát triển ngay, nhưng chúng tôi chủ động đi trước trong lĩnh vực này để định hình hướng đi chiến lược, ít nhất là để khẳng định nỗ lực của mình trong cung cấp những giá trị mới cho khách hàng”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank nhớ lại.

Còn nay, khi công nghệ đã phát triển nhanh, môi trường Internet không ngừng mở rộng, ngân hàng điện tử mà cụ thể  là các dịch vụ Internet Banking đang trở thành công cụ chủ lực để các ngân hàng cạnh tranh, cũng như phục vụ khách hàng, nhất là khi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ đang được nhiều thành viên theo đuổi. Công cụ này đã tạo bước đột phá trong việc dỡ bỏ những hạn chế về không gian và thời gian, mang lại lợi ích cho cả hai phía.

Năng động để cạnh tranh

Năm 2007, Techcombank bỏ  ra hơn 1 triệu USD để phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Bộ đôi sản phẩm Fast I - Bank (dành cho khách hàng cá nhân) và Fast E Bank (dành cho khách hàng doanh nghiệp) ra đời khoảng gần một năm sau đó.

Với Fast I - Bank và Fast E Bank, người sử dụng có thể kiểm soát tài khoản của mình, thực hiện các giao dịch như truy vấn số dư, chuyển khoản, thanh toán bằng tài khoản VND, đăng ký trực tuyến các dịch vụ ngân hàng như mở L/C, bảo lãnh, chuyển tiền quốc tế… Những giao dịch đó chỉ đơn giản bằng “click” chuột qua môi trường Internet, thực hiện 24/24 giờ trong ngày với công nghệ bảo mật, an toàn tối ưu, thay vì phải tranh thủ giờ hành chính, đến trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện như cách truyền thống.

Riêng với Fast E Bank, sản phẩm này ngay từ khi xuất hiện đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của giới doanh nhân, vốn  là giới phải đi công tác thường xuyên. Kể từ khi ra mắt từ tháng 8/2007, lượng khách hàng sử dụng sản phẩm này liên tục gia tăng, từ 1.226 năm 2008 (tính gộp cả mấy tháng cuối năm 2007) lên 3.278 năm 2009 và dự kiến đến hết năm 2010, Techcombank sẽ có trên 4.500 khách hàng sử dụng Fast E Bank.
 
Nhận thấy xu hướng tất yếu của thị trường ngân hàng điện tử, Techcombank, ACB, DongA Bank… đã và đang tạo sức cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực này. Những thành viên mới như TienPhongBank, LienVietBank cũng đã và đang có kế hoạch đầu tư và nhập cuộc ngay từ đầu. Không phải ngẫu nhiên mà kế hoạch trọng điểm mà LienVietBank đặt ra ngay trong năm đầu tiên hoạt động là thành lập chi nhánh ngân hàng điện tử. TienPhongBank mới hoạt động cũng lập tức đưa ra thị trường những sản phẩm trực tuyến hiện đại…

Ngay với Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng thừa nhận: “Chúng tôi là ngân hàng tiên phong trong phát triển công nghệ và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ tiện  ích. Nhưng áp lực cạnh tranh trên thị trường đến rất nhanh và ngày một lớn. Đó cũng chính là động lực để Techcombank tiếp tục đầu tư để giữ các lợi thế, tất nhiên là để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Và tôi thấy rằng chính giá trị của những dịch vụ tiện ích đó là kênh tiếp thị thương hiệu hiệu quả nhất”.