09:39 23/02/2012

Ngân hàng cổ phần đầu tiên giảm lãi suất

Quỳnh Mai

Sau khối quốc doanh, một ngân hàng cổ phần vừa triển khai kế hoạch giảm lãi suất cùng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng

Ngoài yếu tố vĩ mô và chính sách của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất còn tùy thuộc vào điều kiện nội tại của mỗi ngân hàng.
Ngoài yếu tố vĩ mô và chính sách của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất còn tùy thuộc vào điều kiện nội tại của mỗi ngân hàng.
Sau khối quốc doanh, một ngân hàng thương mại cổ phần vừa triển khai kế hoạch giảm lãi suất cùng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn.

Một tuần trở lại đây thị trường liên tiếp đón nhận thông tin giảm lãi suất từ các “ông lớn” quốc doanh. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã lần lượt điều chỉnh. Trước đó, trong bốn tháng cuối năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã có tới 5 lần giảm lãi suất.

Tất nhiên, những mức lãi suất “mềm” hơn chỉ dành riêng cho một số nhóm đối tượng vay vốn. Phần lớn các nhu cầu vay khác vẫn có lãi suất từ 17% - 18%/năm… Nhưng với thị phần tín dụng chiếm tới trên 51% (tính đến cuối năm 2011), việc giảm lãi suất của khối quốc doanh có sức lan tỏa đáng kể. Và đây cũng là đợt điều chỉnh lãi suất cho vay đầu tiên trong năm 2012.

Lúc này thị trường đang chờ đợi sự nhập cuộc của khối ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là các thành viên thuộc nhóm 1 trong cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Có thêm những thành viên ở khối này, giảm lãi suất sẽ trở nên rõ ràng và mở rộng hơn.

Ngày 22/2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế (VIB) là trường hợp đầu tiên thông báo nhập cuộc sau loạt điều chỉnh nói trên của khối quốc doanh. VIB cho biết đã xây dựng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/năm so với thông thường, áp riêng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.

Cụ thể, trọng điểm của gói tín dụng này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, dệt may… Trong đó, VIB dành riêng 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống.

Ngoài ra, ngân hàng này còn dành thêm 50 triệu USD cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi với mục đích giải ngân tài trợ vốn lưu động, chiết khấu chứng từ với tỷ lệ tài trợ lên đến 95%.

Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc VIB, cho biết kế hoạch giải ngân trên được xây dựng, với ưu đãi về lãi suất, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp tập trung ngay từ thời điểm đầu năm. Việc áp lãi suất cho vay ở gói tín dụng trên thấp hơn bình quân 1,5%/năm là một sự chia sẻ về chi phí vốn với doanh nghiệp, song cũng là một thực tế để tăng cường cạnh tranh thu hút khách hàng.

Năm 2012, chính sách tín dụng chung của hệ thống khá đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước thực hiện phân nhóm để giao chỉ tiêu. Những thành viên nhóm 1 với chỉ tiêu cao nhất (17%) có điều kiện để mở rộng tín dụng hơn, để cạnh tranh thu hút khách hàng là những doanh nghiệp tốt. VIB là thành viên nằm trong nhóm có chỉ tiêu cao nhất này.

“Cạnh tranh ở đây là chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Còn ở lãi suất có thể hiểu là để thu hút hơn nữa những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Và để có được lãi suất ưu đãi và cạnh tranh như vậy cũng cần phải tính đến các điều kiện nội tại của ngân hàng, bên cạnh các yếu tố vĩ mô nói chung và định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước”, bà Hoa giải thích.

Với VIB, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao ở mức cao nhất 17% đồng nghĩa với số vốn có thể giải ngân tối đa trong năm nay là 60.000 tỷ đồng. Bà Hoa cho biết VIB hiện hội đủ các điều kiện để thực hiện quy mô này.

VIB hiện có quy mô vốn chủ sở hữu khá lớn với hơn 8.100 tỷ đồng; có hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao trong hệ thống với gần 15%, cao hơn nhiều so với mức 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, ngân hàng này vừa tiếp nhận thêm 1.150 tỷ đồng đầu tư từ cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA), sau sự kiện tăng tỷ lệ sở hữu từ 15% lên 20% vào cuối năm 2011. Đây là một nguồn đáng kể để gia tăng nguồn lực tài chính của VIB, cũng như góp thêm một cơ sở để chính sách ưu đãi lãi suất nói trên thực tế hơn.

Ưu đãi lãi suất đồng nghĩa với việc VIB phải chia sẻ ở khía cạnh lợi nhuận, trực tiếp là nguồn thu từ tín dụng. Đổi lại, ngân hàng này sẽ có thêm khách hàng, thêm cơ hội để phát triển các sản phẩm và dịch vụ phi tín dụng. Đó cũng là lý do để VIB mở thêm chương trình ưu đãi khác đi kèm với gói tín dụng nói trên.

Cụ thể, hiện VIB đang triển khai chính sách ưu đãi phí trọn gói cho những sản phẩm dịch vụ đặc thù dành cho các doanh nghiệp như: phí dịch vụ L/C và nhờ thu; giảm 10% phí chuyển tiên đi và đến quốc tế; giảm tới 30% phí chuyển tiền trong nước qua VIB4U - dịch vụ ngân hàng trực tuyến; nhiều ưu đãi khác khi doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm gói trả lương đa tiện ích - Payroll…